Bạn đã làm gì khi bị chó, mèo cắn?
Theo nội dung đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người vào ngày 27.3.2024, bệnh dại (bệnh lây truyền từ động vật sang người, thường do chó, mèo cào, cắn) là bệnh nguy hiểm và gia tăng đột biến. Từ tháng 1.2024 đến ngày 24.3.2024, cả nước đã xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã trên 100.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Thông tin này được nhiều bạn trẻ có sở thích nuôi thú cưng quan tâm. Kể về việc phòng chống bệnh dại khi nuôi thú cưng, Lê Thị Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: "Mình có nuôi một con chó được 3 năm, tiêm ngừa đầy đủ và thường xuyên tắm rửa sạch sẽ. Cách đây khoảng 1 tháng, trong lúc giữ con chó của gia đình để cho nhân viên thú y tiêm phòng thì bất ngờ nó cào vào tay. Vết thương chỉ trầy xước nhưng mình vẫn đi đến bệnh viện khám để phòng ngừa bệnh dại".
Còn Đặng Minh Trọng, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể về trường hợp bản thân từng bị chó cắn: “Mình từng đến bệnh viện để chích ngừa bệnh dại vì bị chó cắn vào bắp chân. Do vết cắn sâu và bị chảy máu, bác sĩ yêu cầu mình phải tiêm 5 mũi vắc xin để phòng nguy cơ nhiễm bệnh dại, nên mình tốn gần 2 triệu đồng cho việc tiêm ngừa”.
Bên cạnh đó, vẫn có những bạn trẻ còn mang tâm lý chủ quan khi cho rằng vật nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ thì sẽ không phải lo về việc nhiễm bệnh nếu chẳng may bị vật nuôi như chó, mèo cào/ cắn.
“Mình từng bị mèo cắn vào tay nhưng không đi chích ngừa. Người thân trong gia đình bảo là lấy thuốc nam đắp vào vết thương là khỏi, mình đã thực hiện theo. Ngoài ra, mèo mình nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ nên cũng không lo lắng việc nhiễm bệnh”, N.T.T.K, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội xã và nhân văn TP.HCM, chia sẻ.
Nếu bị chó, mèo cắn thì làm ngay những điều này...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết bệnh dại là bệnh nhiễm virus từ động vật, thường là chó, mèo lây sang người bởi nước bọt bị nhiễm virus dại. Các trường hợp nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, liếm, cào của chó mèo mắc bệnh này. Khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong.
“Thời gian ủ bệnh dại ở người có thể khoảng 9 - 10 ngày hoặc dài trên một năm. Thời gian ủ bệnh tùy theo số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể qua da, vết thương nặng hay nhẹ, khoảng cách từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay, nơi có các dây thần kinh và gần với hệ thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn”, bác sĩ Khanh nói.
Để đề phòng bệnh dại, bác sĩ Khanh khuyến cáo các bạn trẻ khi bị chó, mèo cắn, cào, cần ngay lập tức rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong vòng 15 phút rồi rửa lại bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn để giảm lượng virus. Sau đó đến cơ sở y tế khám để bác sĩ có chỉ định điều trị bằng vắc xin dại hoặc vắc xin, huyết thanh kháng dại.
“Tuyệt đối không chủ quan là chó mèo mình nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ thì sẽ không bị mắc bệnh dại. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định chó mèo đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại. Vắc xin chỉ hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, ngay khi bị những con vật trên cắn, nạn nhân phải xử trí tại chỗ vết thương và đến ngay cơ sở y tế thăm khám và tiêm phòng”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Bình luận (0)