'Số phận' của tích hợp: Nhiều nước đã chọn, VN ngập ngừng

10/12/2015 07:12 GMT+7

Tích hợp tuy còn mới lạ ở VN nhưng là xu hướng ngày càng được nhiều nước lựa chọn. Dẫu nhiều hướng triển khai nhưng tựu trung đều nhằm mục tiêu thoát ly cách dạy học nhồi nhét.

Tích hợp tuy còn mới lạ ở VN nhưng là xu hướng ngày càng được nhiều nước lựa chọn. Dẫu nhiều hướng triển khai nhưng tựu trung đều nhằm mục tiêu thoát ly cách dạy học nhồi nhét.

Học sinh Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) học toán thông qua mỹ thuật - Ảnh: Tuệ NguyễnHọc sinh Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) học toán thông qua mỹ thuật - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Đa dạng hình thức
Nhiều nước trên thế giới đã giảng dạy theo hướng tích hợp từ rất lâu. Trong khi đó ở VN vấn đề này đã được bàn ngay khi biên soạn chương trình phổ thông hiện hành, nhưng vì thiếu điều kiện để thực hiện nên đành gác lại đến sau gần 20 năm mới đặt ra trong chương trình phổ thông mới.
Theo tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Mai, nguyên giảng viên Trường ĐH Liège (Bỉ), nước này đã có 40 năm kinh nghiệm dạy học tích hợp. “Giáo dục phổ thông ở Bỉ, tích hợp trong đó có đa ngành và liên ngành. Trẻ càng nhỏ thì càng cần tích hợp, vì cấu trúc của thiên nhiên và cấu trúc xã hội trong môi trường sống của các cháu là những tổng thể, không chia ngành hay chia ranh giới”, tiến sĩ Huỳnh Mai cho biết.
Trong suốt chương trình giáo dục phổ thông của Bỉ, việc tổ chức dạy học thực hiện theo chủ đề. Ví dụ như trong một chủ đề về lịch sử, các kiến thức giới thiệu để học sinh (HS) tiếp cận vượt ra ngoài giới hạn của môn sử như văn hóa, sinh học, địa lý… “Các chủ đề thì tích hợp nhưng các khái niệm thì chuyên ngành. Tức là tích hợp thành con đường dẫn dắt HS đến chuyên ngành. Việc dạy tích hợp “bắt” các giáo viên phải ngồi lại cùng nhau trước khi thực hiện tiết dạy để bàn về chủ đề và sau đó phân công nhau từng người đảm nhận khía cạnh có liên quan đến chuyên môn của mình”, bà Huỳnh Mai giải thích.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh ngành giáo dục, ĐH East Anglia (Anh), cho biết hiện nay các nhà giáo dục ở Anh gần như không còn tranh luận gì về việc dạy học tích hợp, bởi họ xem là đương nhiên. “Với giáo dục Anh, nhìn qua thấy họ chia rất nhiều môn rạch ròi, kể cả lớp nhỏ. Thực chất họ đã tích hợp chương trình theo tất cả cách tiếp cận: đa môn, xuyên môn, liên môn. Vì thế, dạy chủ đề địa lý về một vùng thì có thể tìm hiểu lịch sử vùng đó, làm dự án giới thiệu du lịch cho vùng, tìm loại cây cối đặc trưng tức có cả địa lý, lịch sử, thiết kế, sinh học... Khi giáo viên thiết kế nội dung, họ tập trung vào ý tưởng: với vấn đề này trong đời sống, HS cần biết, cần làm được những gì, sau đó chủ động bổ sung các kiến thức, hoạt động giáo dục liên quan. Tự thân cách làm này khiến họ có những bài dạy tích hợp”, bà Huyền chia sẻ.
Thoát ly cách dạy nhồi nhét
Ông Đặng Minh Tuấn, giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, cho rằng xu hướng dạy học tích hợp trên thế giới hiện khá phổ biến nhưng hình thức thể hiện rất đa dạng, phong phú nên rất khó nhận biết nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Có kiểu tích hợp ngang (liên môn), có kiểu dọc (giải quyết một vấn đề tổng hợp ngay trong kiến thức một môn học). Nhóm nghiên cứu chương trình, SGK của Viện Khoa học giáo dục VN cũng chia ra nhiều kiểu tích hợp của thế giới như phạm vi rộng, hẹp.
“Qua các tài liệu của Úc, của Singapore mà tôi vẫn dùng để dạy cho HS, tôi nhận thấy họ không quá câu nệ vào hình thức tích hợp. Điều quan trọng là làm sao để giải thoát cho HS khỏi lối học nhồi nhét. Các vấn đề họ đặt ra để yêu cầu HS giải quyết thường có tính thực tiễn cao”, ông Tuấn nói.
Còn theo anh Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử ở ĐH Kanazawa (Nhật Bản), tuy ở Nhật không có khái niệm “tích hợp” nhưng từ cách đây hơn nửa thế kỷ đã triển khai phương thức dạy học tổng hợp mà môn xã hội là một ví dụ tiêu biểu. Trong môn xã hội có lịch sử, địa lý nhưng nội dung học tập cơ cấu, sắp xếp theo từng chủ đề hoặc vấn đề của xã hội hiện thực mà HS đang phải đối mặt hoặc quan tâm và ý thức của HS trước các vấn đề đó.
Trong một hội thảo về hiện đại hóa chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức, tiến sĩ Iann Lundegård (ĐH Stockholm, Thụy Điển) đã giới thiệu khá cụ thể về môn học tìm hiểu khoa học. Đây là môn học bắt buộc với tất cả các HS không chọn các môn khoa học, hóa, sinh, vật lý ở cấp THPT. Qua môn học này, HS được cung cấp những kiến thức chung về khoa học có thể sử dụng cho cuộc sống hằng ngày và trong xã hội. Đây là môn học mang tính liên ngành cao, các kiến thức được đề cập không chỉ từ các môn khoa học thuần túy mà có sự giao thoa giữa khoa học tự nhiên và đời sống xã hội như y học, môi trường và phát triển bền vững, hệ sinh thái, nhân khẩu học, hệ thống năng lượng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.