Kho báu chính là chiến lợi phẩm bậc nhất của các nhà nước phong kiến ngày xưa. Thời nhà Lý, năm 1044, vua Lý Thái Tông nhiều lần mang quân đi đánh nước Chiêm Thành ở phía nam, đưa về hàng ngàn tù binh và nhiều vàng bạc, châu báu (Đại Việt sử ký toàn thư).
Thời Trần, năm 1371, quân Chiêm Thành sang đánh nước ta, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái, ngọc lụa đem về, vua Trần Nghệ Tông phải đi thuyền lánh giặc. Tám năm sau (1379), đề phòng quân Chiêm lại tấn công và cướp phá kho báu, nhà Trần sai quân dân chở tiền đồng vào giấu ở núi Thiên Kiện (H.Thanh Liêm, Hà Nam) và một tầng tháp ở Lạng Sơn.
Một trong những cuộc đánh chiếm kho báu lớn nhất đã diễn ra dưới đời vua Lê Thánh Tông (1441 - 1497). Năm 1471, nhà vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, tấn công vào thành Chà Bàn, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn và niêm phong toàn bộ của cải, kho tàng.
|
“Kho dự trữ bao la” ở Huế
Dưới thời các chúa Nguyễn, khi cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn kéo dài hơn 30 năm (1771 - 1802), ba anh em Tây Sơn đã lấy kinh đô cũ của Chiêm Thành là Vijaya (Chà Bàn hay Đồ Bàn, nay thuộc tỉnh Bình Định) làm bản doanh của phong trào và không ít của báu của người Chiêm đã rơi vào tay họ.
Một người Pháp duy nhất có mặt trong lãnh địa dưới quyền kiểm soát của nhà Tây Sơn trong khoảng thời gian giữa những năm 1770 và 1786 là giáo sĩ Jean Pierre Joseph d’Arcet có kể lại trong một lá thư rằng trong một lần rút quân từ Đồng Nai về cứ địa Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc ghé lại chỗ ở của một vị tiểu vương Chiêm Thành, đòi xem những của báu của vương quốc này. Trong những đồ trân quý ông được xem, có một cây quyền trượng bằng vàng, chạm trổ tinh vi, với hình 14 chiếc sừng, tượng trưng cho 14 thế hệ đã nắm quyền cai trị kể từ ngày vương quốc này được thành lập. Nguyễn Nhạc giữ lấy cây quyền trượng và nói với vị tiểu vương Chiêm Thành mới chừng 10 - 12 tuổi mà ông coi như một người con: “Ta sẽ trả nó lại cho con”. Tất nhiên, của báu chẳng bao giờ được hoàn lại khổ chủ và vị tiểu vương kia phải ngậm đắng nuốt cay gật đầu ưng thuận, vì dù sao, mạng sống cũng quý hơn cây quyền trượng (theo George Dutton - The Tây Sơn uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn), bản dịch của Lê Nguyễn, NXB Tổng hợp TP.HCM - 2019, trang 182 - 183).
Dutton cũng ghi nhận rằng trong khoảng thời gian kể trên, quân Tây Sơn đã tịch thu nhiều trang phục cùng biểu chương của các triều đại Chiêm Thành và những bảo vật đó đã góp phần vào việc long trọng hóa sinh hoạt cung đình cùng các nghi thức của nhà Tây Sơn.
Sang thời Nguyễn, sau khi thống nhất sơn hà vào năm 1802, người khai sáng triều Nguyễn là vua Gia Long (1762 - 1820) đã chấn chỉnh việc đúc tiền và các quý kim (vàng, bạc…). Việc đúc tiền được giao cho một cơ quan có tên là Bảo tuyền cục, việc quản lý vàng thuộc độc quyền của Nội vụ phủ, đặt dưới sự kiểm soát của Nội các gồm thành viên là người trong hoàng tộc và quan chức ở Bộ Hộ. Riêng việc đúc bạc được giao cho các xưởng đúc tại các trấn (sau là tỉnh).
Khối lượng vàng bạc đúc ra vào nửa đầu thế kỷ 19 là một phần không nhỏ trong kho báu triều Nguyễn được nhắc tới trong loạt bài này.
Vào thập niên 1860, cùng với việc đánh chiếm Nam kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp phát triển kinh tế khu vực phía nam VN và bắt đầu dòm ngó khối của cải do triều đình Huế nắm giữ. Tháng 1.1885, Thống đốc dân sự đầu tiên của vùng đất Nam kỳ lục tỉnh là Charles le Myre de Vilers đề cập đến một “kho dự trữ bao la” ở Huế. Ông ta đánh giá thấp khối lượng vàng do triều đình cất giữ, cho rằng chỉ trị giá tương đương 2 triệu franc, nhưng nhiều tài liệu sau đó đã ước tính số vàng này trị giá đến 7 triệu franc. Trong khi đó, de Vilers lại nâng cao quá đáng khối lượng bạc với trị giá 11 triệu franc, thay vì giá trị thực sự của kim loại này chỉ vào khoảng 6,5 triệu franc. Lý do là vào thập niên 1880, chưa ai ước tính được khối lượng vàng bạc mà vua Minh Mạng (1820 - 1841) đã chôn giấu tại nhiều nơi trong kinh thành, về sau bị người Pháp phát hiện một phần.
Bình luận (0)