Vua Minh Mạng của Marcel Gaultier

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
22/05/2021 06:26 GMT+7

Vua Minh Mạng là người kế vị vua Gia Long, mang lại trật tự, hòa bình, bảo vệ và hoàn thành sự nghiệp dang dở của vua cha, đưa đất nước trở lại khuôn khổ truyền thống Nho giáo.

Khác biệt đường lối giữa Gia Long và Minh Mạng

Sau cái chết của Đông cung Cảnh, xảy ra vào ngày 20.3.1801 tại Gia Định, hoàng tử Hy cũng qua đời hai tháng sau đó, vua Gia Long chọn người kế vị là hoàng tử Đảm thay vì chọn hậu duệ của Đông cung Cảnh, bất chấp ý kiến của cận thần.
Nguyễn Phúc Đảm sinh ngày 25.5.1791, tại chùa Khải Tường (Gia Định), là con trai thứ tư của vua Gia Long. Mười tuổi Đảm mới về Huế, về sau trở thành vua Minh Mạng - một nhân vật cải cách lớn bởi tính cách mạnh mẽ của mình và cũng chính ông đã có những can thiệp nhằm xác lập lại trật tự ở vùng đất nơi mình chào đời.
Viết về vua Minh Mạng, trước đó không có gì nhiều ngoài sử biên niên của triều đình và một số ghi chép bấy giờ mang tính hạ thấp ông: vị vua màu mè, sầu thảm, độc ác, vô cảm…
Theo học giả Pháp Marcel Gaultier, các đánh giá về vua Minh Mạng trước đây chưa đúng. Trong cuốn sách Vua Minh Mạng xuất bản năm 1935, Gaultier đặt Minh Mạng vào đúng bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam trong thời đại và thế kỷ ông sống để phân tích tính cách, tư duy, đường lối, quan điểm cũng như những thành quả và thất bại trong khoảng thời gian ông cai trị nước Việt Nam (đến năm 1839 đổi quốc hiệu thành Đại Nam).

Chợ Nam kỳ

Gia Long là người thân Pháp, chấp nhận Cơ Đốc giáo, chấp nhận cho hoàng tử Cảnh cải đạo theo đạo Cơ Đốc. Minh Mạng coi sự bành trướng Cơ Đốc giáo là hiểm họa đối với nền độc lập của quốc gia. Minh Mạng là người của thế giới cũ trong một xã hội mới, theo đuổi chính sách tự cô lập, khước từ phương Tây theo tư duy của một sĩ phu mà ông được giáo dục từ nhỏ.
Đời vua Gia Long, dù có lịch sử thân Pháp nhưng không có sứ bộ Việt Nam nào đi ra nước ngoài. Đời vua Minh Mạng dù đàn áp tín đồ Cơ Đốc giáo, không thân phương Tây nhưng lại có rất nhiều sứ bộ ra nước ngoài để thực hiện các hoạt động ngoại giao, cũng là quan sát văn minh phương Tây, nhằm canh tân đất nước.
Vì lý do chính trị và bị thúc đẩy bởi những tình cảm cá nhân - từng nhận sự giúp đỡ của giám mục Adran và nhiều người Pháp khác lúc dấy nghiệp - vua Gia Long đối đãi họ tử tế. Khác với vua cha, hoàng tử Đảm bày tỏ ý định gửi trả về nước những giáo sĩ ngoại quốc, đóng hải cảng, ngưng giao thương với người châu Âu, muốn xây dựng Việt Nam thành một cường quốc đối lập với mọi ảnh hưởng Tây phương, qua đó phục hưng tinh thần An Nam xưa, “phục hồi lại trong đất nước chủ nghĩa thuần túy hài hòa với những điển lệ Khổng giáo”. Nhận định về điều này, trong cuốn Vua Gia Long, Gaultier cho rằng Nguyễn Phúc Ánh “bí mật khuyến khích một quan điểm chính trị mới [của hoàng tử Đảm] mà những cam kết và lòng biết ơn thật sự với những người Pháp ngăn cản ông tự thân theo đuổi”. (tr. 157)
Để tưởng thưởng cho các công thần theo mình trong cơn hoạn nạn buổi đầu, vua Gia Long đặt ra một đẳng cấp quý tộc mang tên “Minh nghĩa công thần”. Không thuận theo ý nguyện của vua cha, vua Minh Mạng đã loại bỏ hệ thống đẳng cấp này vì lo rằng “sẽ hình thành một giai cấp quý tộc truyền tử lưu tôn có khả năng một ngày kia làm nguy hại đến vương quyền”.
Vua Minh Mạng của Marcel Gaultier

Bìa sách Vua Minh Mạng

Ảnh: Nguyễn Quang Diệu

Vùng đất phía nam dưới triều Minh Mạng

Gia Định là nơi Nguyễn Phúc Ánh ẩn náu trước các cuộc tấn công của quân Tây Sơn, cùng với người Pháp thì người dân Gia Định đã góp công lớn giúp Nguyễn Phúc Ánh thống nhất sơn hà. Người xuất thân từ vùng đất Gia Định cũng trở thành tầng lớp thống trị ở triều đình Huế.
Triều đình Huế lúc đó cai quản đất nước bằng hai cách: trực trị và gián trị. Trực trị từ Ninh Bình vào đến Bình Thuận hiện nay, gồm 4 dinh và 8 trấn; gián trị 11 trấn ở phía bắc (gọi là Bắc thành, 1802 - 1831) và 5 trấn ở phía nam (gọi là Gia Định thành, 1808 - 1832). Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành có quyền: “cai trị mười một trấn; quyết định việc tố tụng và chỉ định, tùy nghi sa thải các quan lại, chỉ cần quan tổng trấn trình báo với triều đình sau khi đã thi hành quyết định”. Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt còn chịu trách nhiệm thanh sát và kiểm soát nước láng giềng Chân Lạp, duy trì Gia Định như một kho dự trữ về kinh tế... Phần lớn quan tổng trấn, phó tổng trấn và hiệp trấn đều là người gốc Gia Định và xuất thân võ quan.
Gần 30 năm, người gốc Gia Định là những anh hùng và chiếm giữ những vị trí quan trọng trong triều đình trung ương và chính quyền địa phương. Trong nhận định của vua Minh Mạng, đất Gia Định hoàn toàn do Lê Văn Duyệt kiểm soát, uy tín của ông quá lớn, cho nên từng bước giảm bớt quyền lực của Lê Văn Duyệt là mục tiêu dài hạn ông nhắm tới. Sau cải cách hành chính 1831 -1832 dưới thời Minh Mạng, Gia Định thành bị bãi bỏ, Minh Mạng cho thắt chặt các hoạt động truyền đạo Cơ Đốc, tấn công nhóm người được Lê Văn Duyệt bảo trợ lúc còn sống... Kế đó (1833) nổi lên loạn Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) kéo dài trong hai năm, từ đó người Gia Định không chỉ mất vai trò chủ động trong hoạt động chính trị ở trung ương, mà triều đình Huế do Minh Mạng đứng đầu còn coi vùng này như miền đất di thực.
Để đưa Gia Định thành hòa nhập chung với toàn quốc và gò ép vào khuôn phép Nho giáo, vua Minh Mạng đã thực thi những chính sách: giáo hóa người phương Nam, “Việt hóa” các nhóm sắc tộc (mở rộng lãnh thổ sang Chân Lạp…) và chính sách đạc điền mới; lập nhiều trường học, mở các khoa thi, ban bố các huấn điều chuẩn mực đề cao đạo đức và luân lý Khổng giáo, đưa dần văn quan được giáo dục theo tư tưởng Khổng giáo vào giữ vai trò chủ động trong chính quyền Gia Định...
Marcel Gaultier còn đề cập đến một số sự kiện binh biến rải rác khác trong cuốn sách Vua Minh Mạng vừa được Đỗ Hữu Thạnh dịch sang Việt ngữ (Omega+ và NXB Hà Nội vừa ấn hành tháng 3.2021). Dù là sách không quá chuyên sâu, viết cho độc giả Pháp bấy giờ đọc, song cũng mang đến nhiều thông tin và nhận định thú vị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.