Sáng 11.12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước ban hành 9 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6 vừa qua, gồm: luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi; luật Trồng trọt; luật Chăn nuôi; luật Đặc xá; luật Công an nhân dân sửa đổi; luật Bảo vệ bí mật nhà nước; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan tới quy hoạch; luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có giải quyết được tính hình thức trong kiểm soát kê khai tài sản hiện nay, khi mỗi năm có tới hơn 1 triệu bản kê khai nhưng chỉ xác minh được vài chục trường hợp và xử lý các trường hợp vi phạm thì càng ít hơn nữa? Phó vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh khẳng định luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ khắc phục được tình trạng này.
Theo đại diện Thanh tra Chính phủ, luật sửa đổi lần này yêu cầu tất cả cán bộ công chức, người có chức vụ, quyền hạn và một số nhóm viên chức giữ chức vụ quản lý kê khai lần đầu. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập hàng năm đã thay đổi theo hướng tập trung vào nhóm đối tượng từ giám đốc sở và tương đương trở lên và một số vị trí quản lý tài chính, tài sản công hoặc thường xuyên trực tiếp giải quyết công việc của người dân.
“Việc tập trung vào nhóm đối tượng này giúp số lượng bản kê khai hàng năm giảm xuống rất nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ thì số lượng bản kê khai hàng năm chỉ còn khoảng 4.000- 5.000”, ông Tuấn Anh cho biết.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng cho hay, để tránh việc kê khai hình thức, luật quy định rất rõ về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt trong việc hình thành, quản lý cơ sở dữ liệu bảng kê khai, hướng tới việc số hoá cơ sở dữ liệu này.
Hàng năm, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ phải xây dựng kế hoạch xác minh (bảng kê khai) hàng năm một cách chủ động, dựa trên lựa chọn ngẫu nhiên trong tổng số các bảng kê khai mà cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đang quản lý.
“Chúng tôi cho rằng với việc mở rộng căn cứ xác minh, quy định thẩm quyền xác minh chủ động thì các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ bảo đảm quy định này được thực hiện thực chất hơn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng chống tham nhũng”, ông Tuấn Anh nói.
Theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, trong năm 2018, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 1,134 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai (1,136).
Số bản kê khai đã công khai là hơn 1,13 triệu bản, đạt tỷ lệ 99,8%, còn 1.679 bản kê khai chưa được công khai dưới cả 2 hình thức (công khai ở cuộc họp và theo hình thức niêm yết), chiếm 0,2%.
Trong số hơn 1 triệu người thuộc diện phải kê khai, có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm.
Theo đó, việc xác minh tài sản trong năm 2018 chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ. Một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc do phản ánh của dư luận, nhân dân và báo chí.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, tới thời điểm báo cáo (10.2018), đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.
Bình luận (0)