Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, hiện nay cách tính khoản rút BHXH 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH từ 2014).
Giả sử có hai trường hợp nam, cùng tuổi, cùng số năm tham gia BHXH là 20 năm (từ năm 2002 đến năm 2022) và có cùng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 5 triệu đồng.
Nếu người lao động chọn rút BHXH 1 lần thì phép tính BHXH 1 lần = (1,5 x 5 triệu đồng x 12) + (2 x 5 triệu đồng x 8) = 170 triệu đồng.
Nếu người lao động chọn lương hưu thì mức hưởng = 45% x 5 triệu đồng = 2,25 triệu đồng/tháng.
Khi người lao động hưởng lương hưu mất, cơ quan BHXH sẽ chi trả tổng cộng 21,6 triệu đồng, gồm mai táng phí 14,9 triệu đồng và tuất 1 lần 6,75 triệu đồng (3 tháng lương hưu).
Như vậy số tiền chênh lệch giữa rút BHXH 1 lần và hưởng lương hưu sau khi trừ ra các trợ cấp mai táng phí, tuất sẽ là 170 triệu đồng - 21,6 triệu đồng = 148,3 triệu đồng.
Để đạt được số tiền 148,3 triệu đồng này, người lao động nghỉ hưu cần hưởng lương hưu 66 tháng, tức 5 năm 6 tháng (= 148,3/2,25 triệu đồng).
Tuổi nghỉ hưu năm 2023
Hiện nay theo quy định, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Năm 2023, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng và lao động nữ sẽ là 56 tuổi.
Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.
Tranh cãi lãnh BHXH 1 lần
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan nhà nước, chuyên gia luôn cảnh báo về việc ồ ạt rút BHXH 1 lần. Nhất là trong bối cảnh luật BHXH sửa đổi, đề xuất phương án rút BHXH 1 lần tối đa không quá 50% mức hưởng, số còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng lương hưu.
Nhiều ý kiến người cho rằng việc quy định cấm rút BHXH 1 lần là cần thiết để người lao động có tiền trang trải khi về già, đảm bảo hệ thống an sinh xã hội bền vững hơn.
Tuy nhiên, không ít người lao động phản đối vì những lý do như lương hưu hiện nay chưa đuổi kịp chi phí tiêu dùng, nhà ở, dịch vụ y tế; không đủ tích lũy, cần tiền đột xuất, chuyển hướng sang nghề nghiệp tự do...
Một số cũng lo ngại chính sách BHXH thay đổi nhanh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, cũng như tuổi nghỉ hưu quá lâu trong khi tuổi đáp ứng nhu cầu lao động thì ngắn.
Những thay đổi với BHYT, BHXH sau khi lương cơ sở tăng
Bình luận (0)