Sổ tay: Cứu trợ tự quản

22/08/2021 09:10 GMT+7

Vào đầu đợt bùng phát dịch bệnh lần này, trên group của một chung cư ở Q.7 (TP.HCM) đã có lời kêu gọi các cư dân là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tham gia chương trình hỗ trợ y tế tự quản.

Cụ thể, ban quản lý chung cư sẽ trích quỹ, kêu gọi dân cư góp thêm chi phí để mua thiết bị y tế hỗ trợ, thuốc men và dùng phòng cộng đồng làm nơi chăm sóc cho những hàng xóm là F0 nếu có.
Chương trình được coi là “tự xoay xở với nhau” đó được đông đảo cư dân nhiệt tình hưởng ứng. Một phòng y tế nho nhỏ với chi phí chưa đến 50 triệu đồng được lập ra. Có 5 bác sĩ, nhân viên y tế, hiểu biết ngành y là cư dân tại chỗ cũng chung tay hỗ trợ xóm giềng không may bị nhiễm bệnh. Điều này tạo ra sự yên tâm nhất định cho hàng ngàn hộ dân trong khu chung cư. Thông tin những tầng có người nhiễm, phải khóa thang máy để tránh di chuyển lây lan được ban quản lý thông báo; quá trình điều trị và khỏi bệnh cũng được cập nhật kịp thời.
Công nghệ trở thành phương tiện kết nối nội khu dân cư thành một khối, tạo ra thành trì để chống dịch trong tinh thần đoàn kết và chia sẻ - không chỉ dừng lại là một không gian hỗ trợ y tế mà còn mở rộng việc thiện nguyện, chung tay giúp đỡ cho những cư dân đang gặp khó khăn kinh tế vì đại dịch ảnh hưởng tới công ăn việc làm. Tại chung cư nói trên, đã có những cư dân mua hàng tấn rau, thịt, trứng mang về để ở hành lang, tặng xóm giềng khó khăn có thể lấy dùng miễn phí.
Mô hình khu dân cư tự quản tương tự cũng được một chung cư khác ở Thảo Điền (TP.Thủ Đức) tổ chức thông qua một nền tảng mạng xã hội từ thiện. Trên nền tảng ứng dụng thiện nguyện, các cư dân cần hỗ trợ y tế, kinh tế có thể lên tiếng và các nhóm có trợ giúp tư vấn điều trị có thể phản ứng nhanh. Khi có những trường hợp cấp bách, bệnh diễn tiến nặng thì mới sử dụng hệ thống cấp cứu điều trị ở các bệnh viện. Bởi ai cũng hiểu, trong tình hình số ca nhiễm trong cộng đồng lớn hơn khu cách ly, việc hạn chế di chuyển khi chưa đến mức khẩn cấp là rất cần thiết. Ngoài ra, việc sáng tạo, tổ chức tự quản kiểu dân sự trong dân theo phương thức này cũng có thể thay thế, tháo gỡ, giảm tải được phần nào gánh nặng điều trị của hệ thống y tế công; lại đảm bảo an toàn cho người dân từng khu dân cư.
Tất nhiên, các mô hình tổ chức tự quản này cũng rất cần đến những hỗ trợ khẩn cấp trong những tình huống vượt quá năng lực tự tổ chức điều trị. Cho nên, các cơ sở y tế địa phương cũng cần thiết phải nắm thông tin và phản ứng kịp thời, nhịp nhàng trong các trường hợp cấp cứu để tránh tư duy giao phó, bỏ mặc và cả những phát sinh rườm rà thủ tục hay đá trách nhiệm dẫn tới ảnh hưởng sinh mạng của người dân.
Nếu biết tận dụng và sáng tạo trong phương thức tổ chức, công nghệ là một phương tiện hữu hiệu trong việc gắn kết, chia sẻ cơ hội trợ giúp y tế và an sinh trong những khu dân cư. Đó là những gợi ý để người dân, chính quyền cơ sở cấp tổ, phường, khu phố có thể tham gia vào hệ thống “tự quản” hỗ trợ khẩn cấp, cứu trợ lẫn nhau trong bối cảnh mạng lưới an sinh xã hội đôi khi rơi vào tình trạng “nghẽn mạch”, nhất là khi TP.HCM đang bước vào 1 tuần siết chặt giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.