Ngày 13.10, Sở TN-MT TP.HCM cho biết tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đơn vị số 1 TP.Thủ Đức ngày 11.10, một số cử tri nêu ý kiến trăn trở về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn. Cụ thể, cùng một tuyến đường tại P.Long Bình, giá đất nông nghiệp tại Bình Dương cao gấp 3 lần so với tại TP.HCM…
Về vấn đề này, Phòng Kinh tế đất của Sở TN-MT TP.HCM cho hay giá đất cụ thể để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất tại dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TP.Thủ Đức đã thực hiện theo đúng trình tự quy định tại điều 18 Nghị định 44/2014 của Chính phủ và điều 7 Thông tư 36/2014 của Bộ TN-MT. Đồng thời, đã sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Cụ thể, UBND TP.Thủ Đức đã thuê đơn vị tư vấn lập chứng thư với các mẫu thông tin so sánh giá đất nông nghiệp và các loại đất khác được chuyển nhượng thành công trên thị trường.
Trước khi trình Sở TN-MT TP.HCM để trình Hội đồng Thẩm định giá đất TP.HCM xem xét, thẩm định và thông qua, UBND TP.Thủ Đức đã niêm yết công khai, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi.
Trước đó, trên địa bàn TP.Thủ Đức đã triển khai dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn 1, thuộc đường Vành đai 3, TP.HCM.
Dự án này được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định 4065//2022. Sau đó, UBND TP.Thủ Đức đã phê duyệt phương án bồi thường. Đa số người dân đồng thuận với giá đất nên UBND TP.Thủ Đức đã hoàn tất việc chi trả để triển khai thu hồi mặt bằng.
Theo đó, giá đất bồi thường đường Vành đai 3 đã được cân đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn TP.Thủ Đức.
Dự án Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua 4 tỉnh thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Mỗi địa phương có 2 dự án thành phần là bồi thường giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Tại TP.HCM, dự án đi qua TP.Thủ Đức và 3 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) dự kiến ảnh hưởng đến 1.671 trường hợp, trong đó 663 trường hợp bị giải tỏa trắng.
Bình luận (0)