Sáng 8.8, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế đang phối hợp với Công an TP.HCM để xác minh thông tin “bác sĩ rút máy thở của mẹ nhường cho sản phụ sinh đôi” như trên mạng chia sẻ.
Theo bác sĩ Cường, đây là thông tin chưa chính thống và Sở Y tế đang “truy lùng”.
Trước đó, từ đêm 7.8, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin từ Facebook được cho là bác sĩ Trần Khoa (nội dung như trong ảnh được chụp lại màn hình phía dưới).
|
Sau đó, xuất hiện những tin nhắn được cho là của đồng nghiệp 'bác sĩ Trần Khoa' (như trong ảnh).
|
Không có cuộc mổ nào như trên mạng chia sẻ
Thông tin trên cho rằng câu chuyện trên xảy ra vào chiều 7.8 tại Bệnh viện Q.9 (nay là Bệnh viện Lê Văn Việt). Tuy nhiên, trả lời PV Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Khoa Lý, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt cho biết, bệnh viện có 1 nhân viên tên Khoa nhưng làm ở khoa Chẩn đoán hình ảnh. Bệnh viện có khoa Sản nhưng hôm qua không có cuộc mổ nào như trên mạng xã hội chia sẻ. Tại Bệnh viện Lê Văn Việt, hoàn toàn không có vụ việc nào xảy ra như câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội.
Và theo chúng tôi tìm hiểu, sự thật là những những hình ảnh được chia sẻ trong tin nhắn lại hoàn toàn khác bối cảnh.
Hình ảnh về câu chuyện chia sẻ về "bác sĩ Khoa" ngay lập tức được bác sĩ Cao Hữu Thịnh, một bác sĩ sản khoa được nhiều người biết tại TP.HCM nhận ra ngay đó chính là ông.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Thịnh cho biết hình ảnh trong những tin nhắn trên các Facebook là cuộc mổ của ông gần đây tại Bệnh viện An Sinh, và đã bị cắt cúp gắn vào câu chuyện "bác sĩ Khoa".
“Đây là giả mạo. Đọc bài viết có những điều vô lý! Làm gì có chuyện người ta đang sống mà rút máy thở cho người khác, là vi phạm y đức. Tình hình ngành y hiện nay đâu đến nỗi phải giành giựt máy thở để cho người khác. Số máy thở vẫn đang đáp ứng được”, bác sĩ Thịnh nói.
|
Bác sĩ Lưu Kính Khương, chuyên gia về gây mê - hồi sức (nguyên Trưởng khoa Gây mê - hồi sức Bệnh viện Nhân dân 115, hiện đang công tác tại Bệnh viện Tâm Anh), cho biết, thở máy có nhiều loại, thở máy không xâm lấn và thở máy xâm lấn (đặt ống để thở).
Vậy trường hợp nào được rút máy thở? Theo bác sĩ Khương, bệnh nhân (ví dụ mẹ "bác sĩ Khoa" nói trên) tiên lượng nặng, dùng thuốc vận mạch, đồng tử giãn và chắc chắn tử vong. Nếu "bác sĩ Khoa" là người điều trị trực tiếp, nguyên tắc cũng không được quyền rút máy thở người này cho người khác, trừ người đó ngưng tim. Nếu là bác sĩ khác cũng không được phép rút máy thở, ống thở.
“Ở một số nước, trước khi mất, bệnh nhân có được quyền yêu cầu ra đi nhẹ nhàng trong tình huống cụ thể nào đó thì rút ống thở. Hiện nay, luật của Việt Nam chưa cho phép chuyện này”, bác sĩ Khương nói.
Theo bác sĩ Khương, tại Việt Nam chỉ rút máy thở khi bệnh nhân ngưng tim. Hoặc trong tình huống bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong khi dùng nhiều biện pháp không cải thiện tình hình, và người nhà xin về để ra đi tại nhà, nhưng người nhà phải có cam kết…
Bình luận (0)