Ngày 30.12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ năm 2020 đến ngày 30.10.2022, tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Y tế là 12.750 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành y tế còn quản lý, sử dụng các nguồn lực bằng hiện vật quy đổi tương đương tiền như: trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu và kinh phí khác 1.871 tỉ đồng.
Trang thiết bị y tế tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM |
DUY TÍNH |
Trong thời gian đó, các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của luật Đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, việc mua sắm còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thông tin Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc mua hàng hóa giá cao, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, khẳng định giá mua trang thiết bị, vật tư thời điểm đó tại các đơn vị và của Sở Y tế là giá rẻ nhất.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, khi thanh tra, kiểm tra thì dựa vào luật, thông tư, nghị định chứ không dựa vào nghị quyết, nhưng quan trọng nhất là làm cho rõ ai cố tình lợi dụng thì phải xử lý nghiêm. Ông cũng cho rằng “làm sao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 mà làm đúng hết các bước, chuyện rất khó xảy ra”.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nhân viên ngành y tế TP đang rơi vào trạng thái mệt mỏi về thể chất, tinh thần và rất cần thiết phải có cơ chế, chính sách để hỗ trợ họ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết 30 năm 2021 Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu trong đoàn giám sát cũng cho rằng thời điểm dịch bùng phát thì việc mua được hàng hóa là thắng lợi vì thậm chí có tiền chưa chắc đã mua được. Chính vì vậy, khi giám sát, kiểm tra thì phải đứng trong hoàn cảnh đó để nhìn toàn cảnh. Theo các đại biểu Trần Hoàng Ngân và Phạm Khánh Phong Lan, đợt dịch vừa qua, TP.HCM mất mát rất nhiều, mà lớn nhất là về con người, trong khi công tác phòng chống dịch thời gian tới vẫn chưa ngừng nghỉ. Do đó, làm sao động viên lực lượng nhân viên y tế, làm sao bảo đảm tinh thần cho “những chiến sĩ tuyến đầu” là những câu hỏi cần xem xét.
Bình luận (0)