Soạn giả Lê Duy Hạnh - Những tác phẩm để đời: Diễn kịch một mình

Hoàng Kim
Hoàng Kim
04/09/2024 07:16 GMT+7

Diễn kịch một mình của soạn giả Lê Duy Hạnh ra mắt năm 1992 với duy nhất vai diễn của nghệ sĩ Bạch Tuyết đã gây tiếng vang lớn, trở thành tiên phong cho một vệt tác phẩm thể nghiệm sau này.

Năm 1984, Câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm 5B Võ Văn Tần được thành lập. Mang tên gọi "thể nghiệm" nên các nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn khi tham gia đều quan tâm đến chất thể nghiệm của từng vở diễn. Nhưng tìm kịch bản không hề dễ dàng. Vì vậy, ngoài những kịch bản tìm được, soạn giả Lê Duy Hạnh cũng bắt tay vào viết để "đo ni đóng giày" cho đúng với cái sân khấu nhỏ xíu của Hội Sân khấu TP.HCM, mà vở đầu tiên là Diễn kịch một mình.

Soạn giả Lê Duy Hạnh - Những tác phẩm để đời: Diễn kịch một mình- Ảnh 1.

NSND Bạch Tuyết trong vở Diễn kịch một mình

ẢNH: H.K

THẾ THÁI NHÂN TÌNH PHỨC TẠP

Diễn kịch một mình, kịch bản không có cốt truyện rõ ràng nào để mà "kể" như nhiều kịch bản khác. Ở đây, chỉ có một người được gọi là nghệ sĩ hóa thân vào rất nhiều nhân vật trong cuộc đời. Suốt 90 phút đủ cả hỉ nộ ái ố, trung nịnh, gian ngay, buồn vui, thành công thất bại, sung sướng đớn đau, vuốt ve khe khắt, cay đắng ngọt ngào… Bao nhiêu cung bậc tâm lý, sinh lý, bao nhiêu thế thái nhân tình được phơi bày hết, thẳng thắn không chừa một ngóc ngách nào. Lê Duy Hạnh làm cuộc đại phẫu thuật con người để tìm ra những lời giải cho những biến cố, những sự việc, mà đôi khi người ta cứ ngỡ ngàng không hiểu tại sao nó lại "như thế"… Nó "như thế" bởi nó tuân theo những quy luật của trời đất, vũ trụ mà chúng ta không biết, hoặc biết mà quên đi, để rồi cứ đặt câu hỏi tại sao cho những điều ta chứng kiến.

Soạn giả Lê Duy Hạnh - Những tác phẩm để đời: Diễn kịch một mình- Ảnh 2.

NSƯT Trung Thảo trong phiên bản cải lương Nhật thực

ẢNH: H.K

Nhân vật nổi bật nhất trên sân khấu là một ông vua, và mọi thứ xoay quanh ông ta chỉ để bóc trần những ngóc ngách con người. Một ông vua dù tốt cách mấy thì rốt cuộc ông vẫn bằng xương bằng thịt với những nhu cầu bình thường. Còn ta, đôi lúc như vị trung thần kia, cứ đem hoài bão, lý tưởng, tâm nguyện lớn lao mà rót vào tai vua, rồi xét nét, can ngăn, đào tạo, uốn nắn cho vua trở thành tuyệt hảo. Nhưng vua vẫn có bản năng ăn, ngủ, nghỉ ngơi, hưởng thụ… và những điều này có sức lôi kéo rất mạnh. Trung thần thất vọng với vua, rồi căng thẳng, xung đột. Trong khi đó, chính nịnh thần là người "thông cảm" với vua nhiều nhất. Khi vua mệt mỏi, thả lỏng bản thân, cần sự dỗ dành, ngọt ngào, thì nịnh thần chính là người đem đến những sự vui vẻ, thoải mái, thú vị ấy. Nịnh thần trở thành bạn bè, người đồng hành, chia sẻ. Trung thần từ chỗ quên đi bản năng của vua nên "đúng" trở thành "sai", bị vua ruồng rẫy. Ngược lại, nịnh thần từ chỗ "sai" trở thành "đúng", rồi cướp luôn ngai vàng và đất nước. Ngay cả vua, bản năng là không sai, nhưng vì không chừng mực nên từ "đúng" thành "sai", mất hết gia sản, ngôi báu, danh dự.

Xem kịch rồi soi rọi lại bản thân, khán giả không khỏi giật mình. Chúng ta có đủ 3 nhân vật ấy trong con người mình, để rồi bước đi chông chênh giữa hai bờ tốt xấu. Nhìn xa hơn một chút, cũng là chuyện quốc gia đại sự mà Lê Duy Hạnh muốn nói. Ông đã đúc kết quy luật nhân sinh, mong đem đến một lời giải cho cuộc đời đầy biến động này.

NSND BẠCH TUYẾT VÀ NSƯT LÊ TRUNG THẢO BIẾN HÓA TUYỆT VỜI

Vở kịch ra mắt tại 5B với một nghệ sĩ "ngoại đạo" là cô đào cải lương Bạch Tuyết. Lúc đó Bạch Tuyết còn trẻ nhưng tài năng của bà đã vang dội từ trước 1975, được mệnh danh "Cải lương chi bảo". Bà "lấn sân" sang kịch nói với tư thế tự tin, đĩnh đạc và đã chinh phục trái tim khán giả một cách ngoạn mục. Còn nhớ thiết kế sân khấu khi đó rất giản dị, chỉ có chiếc lồng sắt màu trắng là chủ đạo, nổi bật giữa sàn diễn, và Bạch Tuyết múa may, ca hát suốt 90 phút quanh chiếc lồng đó với ẩn ý sâu sắc. Có lúc bà đeo mặt nạ, trở nên cái gì đó bí hiểm mờ ảo như chính tâm lý con người phức tạp. Tài năng của bà làm cho sân khấu thăng hoa kỳ lạ, để rồi sau này tạo cảm hứng cho Lê Duy Hạnh viết thêm nhiều kịch bản thể nghiệm khác chỉ duy nhất một diễn viên, như Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm, Hồn thơ ngọc…

Năm 2019, đạo diễn Lê Nguyên Đạt đầu tư cho kịch bản Diễn kịch một mình với phiên bản cải lương mang tên Nhật thực (Nguyên Phương chuyển thể) đã gây tiếng vang rất lớn. Bởi trong cải lương thì âm nhạc chính là xương sống, và nhạc sĩ Võ Thanh Liêm đã phối rất giỏi giữa ngũ cung với âm nhạc hiện đại, khiến vở diễn vừa ngọt ngào nét xưa mà vẫn trẻ trung hơi thở của hôm nay. NSƯT Lê Trung Thảo cũng xuất sắc trong 90 phút độc diễn, vừa thoại, ca hát, vũ đạo, tinh tế qua từng nét chau mày, cười, khóc… Lê Trung Thảo là một trong những nghệ sĩ trẻ chuẩn mực, thường vào những vai khó, có khi là vai chính, khi là vai phụ, nhưng đều đòi hỏi nội lực diễn xuất rất cao. Với vai trong Nhật thực, dung mạo Trung Thảo sáng ngời, là cái đẹp của một nghệ sĩ có chiều sâu chứ không phải cái đẹp hời hợt bên ngoài.

Qua vở này, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng xứng đáng với hai chữ "thể nghiệm". Anh tung những chiêu thức sân khấu rất đẹp, ngôn ngữ đạo diễn vừa sâu sắc, lắng đọng, vừa rộn ràng, quyến rũ, 90 phút trôi qua thật nhanh trong những tràng vỗ tay liên tục. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.