Soạn giả Lê Duy Hạnh - Những tác phẩm để đời: 'Đôi bờ' của sự hòa giải, xóa tan định kiến

Hoàng Kim
Hoàng Kim
06/09/2024 06:06 GMT+7

Vở kịch Đôi bờ sản xuất năm 2007 và tái dựng năm 2012 tại Sân khấu 5B đều gây tiếng vang lớn. Không phải vì nó mang câu chuyện tình tay ba gay cấn, mà phía sau đó ẩn chứa nhiều thông điệp tinh tế, có khi gay gắt của một đất nước thời mở cửa.

MÔ TÍP HAI BÀ MẸ GIÀNH CON

Trong văn học và sân khấu thường có chuyện hai bà mẹ giành một đứa con, soạn giả Lê Duy Hạnh cũng sử dụng mô típ đó, nhưng ông cài vào những ý nghĩa sâu sắc, lớn lao hơn ngoài chuyện tình cảm của một gia đình.

Lâm (NSƯT Thanh Hoàng đóng) yêu Nguyệt (NSND Mỹ Uyên), rồi lên đường vào chiến khu. Trong lửa đạn, Lâm đã phải lòng Hà (NSƯT Tuyết Thu) và họ cưới nhau. Ngày hòa bình, Lâm gặp lại người yêu cũ, họ lén lút có với nhau một đứa con. Nguyệt vốn sống thoải mái, không chịu nổi khó khăn thời hậu chiến nên quyết định vượt biên cùng với dì Tư giúp việc trong một gia đình, để lại đứa con còn ẵm ngửa cho Lâm. Hà thật thà tưởng chồng vô tình "nhặt được" đứa bé trước cửa, nên nuôi con một cách vô tư, chân thành, yêu thương như con ruột. Những tháng ngày kinh tế khó khăn, Hà vất vả làm đủ thứ việc, thậm chí phải bán cả máu để giữ mạng sống cho con khi đau ốm. Công dưỡng dục ấy đâu khác gì công sinh thành.

Soạn giả Lê Duy Hạnh - Những tác phẩm để đời: 'Đôi bờ' của sự hòa giải, xóa tan định kiến- Ảnh 1.

NSND Mỹ Uyên (vai Nguyệt) và NSƯT Tuyết Thu (vai Hà) trong vở Đôi bờ

ẢNH: H.K

Chuyện vỡ lở khi Nguyệt tìm về đòi con. Đất nước mở cửa, mọi người về lại quê hương, bà con họ hàng nhìn nhau, nối lại sợi dây tình cảm lẫn kinh tế. Hà ngỡ ngàng, đau đớn khi biết sự thật, nhưng cô kiên quyết giữ con trong tay mình. Nhưng đứa con đủ 18 tuổi đã trưởng thành, có suy nghĩ và quyết định của nó. Hằng (NSƯT Tuyết Mai đóng) - đứa con bị hai bà mẹ tranh chấp ấy, nhận ra rằng hiếu thảo không phải là cứ ngồi ôm nhau trong gian khổ, để cuộc sống ngày càng bế tắc, mà phải vượt thoát ra, tìm một chân trời mới, sống thoải mái hơn, hạnh phúc hơn, miễn không phản bội nơi đã nuôi dưỡng mình.

Và Hà thuận lòng cho con ra nước ngoài du học, sống với mẹ Nguyệt. Trong hành trang Hằng mang theo có cả tờ giấy biên nhận bán máu của mẹ Hà, để cô đừng quên cội nguồn, đừng quên những tháng ngày gian khổ giành giật từng phút giây sống còn. Hằng hứa khi ăn học thành tài sẽ trở về phục vụ quê hương. Cả Nguyệt cũng vui vì chuộc lại được lỗi lầm đã bỏ rơi con. Một gia đình tưởng rằng ly tan nhưng vẫn là đoàn viên, mỗi người đều có công lao của riêng mình, giúp cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

NỐI ĐÔI BỜ TƯ TƯỞNG, HÒA GIẢI, XÓA TAN ĐỊNH KIẾN

Soạn giả Lê Duy Hạnh vô cùng khéo léo và thâm sâu khi thể hiện một chuyện tình tay ba bình thường để nói chuyện quốc gia đại sự. Hẳn nhiều người còn nhớ những khó khăn, vất vả, thiếu thốn trong thời bao cấp, nhiều khi khiến người ta chịu đựng mệt mỏi, có khi xung đột nhau. Nhiều người đã rời bỏ đất nước, ra đi đến những nơi thoải mái, giàu có hơn, nhưng rồi vẫn quay về tìm lại mái nhà xưa, quê hương xứ sở, như cô Nguyệt đã trở về. Tuy nhiên, giữa những người mang chính kiến khác nhau không dễ hòa hợp hoàn toàn. Và thế hệ kế tiếp - chính là những người trẻ như Hằng, phải chọn lựa con đường làm sao để vừa thoát đói nghèo, vừa phát triển bản thân, mưu cầu hạnh phúc, nhưng vẫn trung thành và góp phần phát triển đất nước. Thế hệ của Hằng rất khó xử khi đứng giữa "hai người mẹ", người nào họ cũng cần và cũng thương. Họ bơi giữa "đôi bờ" chính kiến, lệch về phía nào cũng là "không phải".

Soạn giả Lê Duy Hạnh - Những tác phẩm để đời: 'Đôi bờ' của sự hòa giải, xóa tan định kiến- Ảnh 2.

NSƯT Thanh Hoàng (Lâm) và Tuyết Mai (Hằng) trong vở diễn

ẢNH: H.K

Cuối cùng, thế hệ trẻ với sự trưởng thành của mình, không bị ai áp đặt, đã chọn con đường mở lòng, mở rộng tri thức, xóa tan định kiến, bước chân hòa cùng thế giới để ăn học, tiếp thu cái hay, cái giỏi, để xây dựng gia đình và đất nước giàu mạnh. Họ ra đi nhưng vẫn "trở về" bằng cách này hoặc cách khác, dứt khoát không bỏ quên quê hương, bởi nơi ấy từng thấm máu cha ông hy sinh, gìn giữ.

Với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần trong nhân dân đã kết hợp lý tưởng cách mạng với hoạt động thực tiễn để phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, giáo dục… Thời mở cửa đã khiến người dân phấn khởi, khai thác tiềm năng, đem đến sự phồn vinh cho đến ngày nay. Đó cũng là hiện thực được phản ánh trong nghệ thuật, qua vở Đôi bờ của soạn giả Lê Duy Hạnh. (còn tiếp)

Hồi đó chúng tôi diễn cực kỳ nghiêm túc mà khán giả cũng xem cực kỳ nghiêm túc. Suất nào cũng đông. Tôi còn nhớ đạo diễn là NSND Trần Minh Ngọc, ông có ngôn ngữ dàn dựng mềm mại, ngọt ngào, khiến vở rất dễ xem. Thiết kế sân khấu có những khung cửa sổ, nhân vật Hằng đi ra đi vô đều bằng cách leo qua cửa sổ. Ý đạo diễn muốn nói rằng Hằng muốn thoát ra khỏi căn nhà chật hẹp, nghèo khó, nhưng cô không thể vội vàng, mà phải có sự kiềm chế, cái khung cửa sổ khiến cô phải chậm lại một chút, bình tĩnh một chút. Đổi mới xã hội là đương nhiên, nhưng phải bình tĩnh, ôn hòa.

NSND Mỹ Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.