NGỌC NGƯỜI, NGỌC NGHỀ
Hồ Nguyệt Cô là con chồn tu luyện ngàn năm nên hóa được thành người, một cô gái xinh đẹp, giỏi võ nghệ, thần thông, vừa xuống núi đã gặp và làm vợ Võ Tam Tư. Khi chồng bại trận, nàng thay chồng cầm binh đánh lại triều đình. Nhà Đại Đường sau nhiều phen sai tướng đi dẹp loạn vẫn không thành, bèn cử Tiết Giao ra trận. Tiết Giao đẹp trai, phong độ, đã khiến Hồ Nguyệt Cô rung động. Dù chiến thắng chàng, nhưng nàng không giết chàng mà còn trao thân cho chàng. Tiết Giao giả vờ bệnh nặng cần viên ngọc người để chữa trị, Nguyệt Cô tin lời trao ngọc, Tiết Giao liền phản bội bỏ đi. Quân lính tan tác, Nguyệt Cô do mất ngọc nên trở lại kiếp chồn, trở về tìm chồng thì bị chồng chém chết vì không biết đó là vợ mình hiện thân.
Đó là kịch bản của nhà viết tuồng Đào Tấn nổi danh của Việt Nam, cảm tác từ bộ truyện Đường Chinh Tây của Trung Quốc. Rất nhiều nghệ sĩ hát bội đã thể hiện thành công vai Hồ Nguyệt Cô, trở thành một vai kinh điển. Nhưng lần này, soạn giả Lê Duy Hạnh đã viết kịch bản theo một lối mới, có thể coi là tiên phong trong việc kết hợp xưa và nay. Hồ Nguyệt Cô là hình ảnh tượng trưng ẩn phía sau câu chuyện của nhân vật Đông Nhựt, một cô đào trẻ hát bội đã bỏ nghề, bỏ cả đức hạnh chạy theo danh lợi. Đông Nhựt là con nhà nòi hát bội, mẹ là bà Tư Lành cũng từng là đào chánh, nhưng bị tai nạn khiến bà phải ngồi xe lăn, chỉ còn biết truyền nghề hết sức cho con gái mình và học trò Minh Sơn, Thu Nguyệt. Đông Nhựt ca hay, diễn giỏi, nhưng cô không chịu đựng được cảnh nghèo khó khi hát bội vào giai đoạn khó khăn. Cô chạy theo Thân, một tên sở khanh dụ dỗ cô bằng tiền bạc, nữ trang, rồi cho cô sử dụng ma túy. Cô mất cả ngọc người lẫn ngọc nghề, nghĩa là mất phẩm hạnh lẫn chuyên môn đã dày công rèn luyện. May mà cô kịp quay trở về trong vòng tay của mẹ, của người yêu, và bạn bè. Y như Hồ Nguyệt Cô từ người biến thành thú, nhưng trong tâm trí vẫn mong trở lại kiếp người, chuộc lại lỗi lầm và phấn đấu không hề tuyệt vọng.
Lê Duy Hạnh gửi gắm vào kịch bản nỗi đau nhân tình thế thái, ông phát triển từ chỗ Hồ Nguyệt Cô chỉ vì lụy tình mà mất ngọc, thành một Đông Nhựt lụy tình và lụy cả lợi lẫn danh. Thì vậy thôi, con người đang bon chen để sống, bon chen bằng mọi cách, mà quên mất rằng mình có một viên ngọc rất quý tiềm ẩn trong mình. Viên ngọc của đạo đức, của nghề nghiệp (bất kể nghề gì, chứ không riêng nghệ thuật). Rèn luyện thì rất lâu, nhưng mất thì rất nhanh, y như Hồ Nguyệt Cô tu luyện cả ngàn năm mới có ngọc mà mất thì trong phút giây. Lê Duy Hạnh nhìn thấy sự đảo điên dần xuất hiện trong cuộc sống, ông liền lên tiếng cảnh báo. Lời cảnh báo ấy đến nay vẫn còn giá trị.
THỬ THÁCH ĐẦY THÚ VỊ CHO NGHỆ SĨ
Kịch bản gốc của Lê Duy Hạnh được NSND Đinh Bằng Phi chuyển thể thành hát bội, NSND Lê Tiến Thọ đạo diễn. Nhưng Lê Tiến Thọ từ Bắc bay vào không được bao nhiêu ngày, ông vỡ hoang xong thì phải bay trở ra Bắc. Còn lại hầu như đạo diễn NSƯT Trọng Nam phụ trách. Trọng Nam lúc đó còn rất trẻ nhưng tay nghề khá vững vàng, rất "hăng máu" dàn dựng thể nghiệm. Soạn giả Lê Duy Hạnh rất thích viết kịch bản thể nghiệm, thì gặp đúng Trọng Nam tâm đầu ý hợp. Anh đã dựng rất hiện đại, mà vẫn không mất nét truyền thống. Thật sự hát bội kết hợp bối cảnh hiện đại như trong kịch bản thì tự thân nó đã là "thể nghiệm" rồi. Trọng Nam động não nghĩ ra những cách xử lý rất đẹp để chinh phục những khán giả khó tính, khán giả thích sự mới mẻ. Ba sợi dây thừng nổi bật giữa trung tâm sân khấu, khi thì biến thành 3 sợi dây cột con rối Hồ Nguyệt Cô, khi biến thành vầng trăng cho Nguyệt Cô ngồi trên đó, khi biến thành nhà giam trói cột con người. Ngôn ngữ dàn dựng này rõ ràng không hề giống hát bội truyền thống, khiến giới trẻ thích thú.
Các nghệ sĩ giỏi của hát bội được chọn để đóng vai, như NSƯT Ngọc Dung (Hồ Nguyệt Cô), NSƯT Kim Thanh (bà Tư Lành), nghệ sĩ trẻ Thanh Trang (Đông Nhựt), Ánh Hoa (Thu Nguyệt), NSƯT Linh Hiền (Minh Sơn), NSƯT Hữu Danh (Thân). Ngọc Dung nói: "Tôi đã đóng không biết bao nhiêu lần vai Hồ Nguyệt Cô, mà lần này cách thể hiện quá mới, nên phải tập tuồng rất kỹ. Thậm chí những lớp đung đưa trên 3 sợi dây như xiếc vậy, mà máu nghề giúp mình vượt qua hết. Lớp tôi biến thành con rối bị treo, mỗi lần Đông Nhựt giựt dây trong tâm trạng sân si, bực bội thì tôi phải giựt tay giựt chân rất mạnh cho đúng tâm lý nhân vật. Ngán nhất là đạo diễn Trọng Nam bắt tôi phải tập đứng co chân và chu mỏ như con cáo, bất động từ 15 - 20 phút, để khi ra sân khấu sẽ quen, cho đúng hình ảnh con rối bị treo. Nhưng quả thật nghệ sĩ chúng tôi đã có những vai diễn nhớ đời, rất quý trong hành trang làm nghề của mình". (còn tiếp)
Bình luận (0)