Sốc nhiệt khi tập luyện thể dục, thể thao: Không thể coi thường!

09/05/2023 11:28 GMT+7

Từ việc nam sinh bị sốc nhiệt sau khi tập chạy 10 vòng sân bóng đá đến vận động viên marathon Nguyễn Thị Ninh ngất xỉu dưới nhiệt độ 39 độ C tại Campuchia, cần có những lưu ý gì khi tập luyện thể thao mùa nắng nóng?

Tình trạng nguy hiểm

Đã từng rơi vào tình trạng sốc nhiệt khoảng 1 tuần trước do tập thể lực dưới thời tiết nắng nóng, Nguyễn Ngọc Trường, sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM. Và dù đã mua thuốc uống và giảm bớt thời gian tập luyện lại, nhưng đến tối Trường vẫn bị sốt lại và tình trạng này kéo dài đến 4 ngày.

Sốc nhiệt khi tập luyện thể dục, thể thao: Không thể coi thường! - Ảnh 1.

VĐV Nguyễn Thị Ninh ngất xỉu do sốc nhiệt

QUỐC VIỆT

"Bình thường mình đã quen tập dưới nắng, nhưng thời gian gần đây do quá nóng gắt, một lần khi đang chạy ngoài trời thì mình bị hoa mắt, chóng mặt mà mồ hôi ra nhiều bị nắng chiếu vào có cảm giác như phỏng nước sôi vậy. Sau đó, cả người mình đỏ rực lên rồi kiệt sức không tập được nữa", Ngọc Trường kể lại.

Cũng bắt đầu tập gym trong thời gian gần đây, Vũ Thành Nhân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức hơn so với mọi khi. "Mình thấy mồ hôi đổ nhiều hơn, dễ mệt hơn đến lúc không chịu nổi thì mình dừng tập hoàn toàn rồi mình dần tập ít đi và cảm thấy dễ nản hơn. Gần đây, mình cũng thấy có mấy vụ bị sốc nhiệt nên cũng lo, cũng ráng tập vừa sức nên chắc "nó" chừa mình ra", Thành Nhân cho biết.

Là người thường xuyên tập thể dục, Lê Trọng Ân, sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM cho biết thường trong mùa nắng nóng này để giảm bị sốc nhiệt thì nhiều vận động viên thường phải mặc áo mưa ép cân trong điều kiện yếm khí lúc giữa trưa. Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp bị sốc nhiệt.

Sốc nhiệt khi tập luyện thể dục, thể thao: Không thể coi thường! - Ảnh 2.

Cần tránh tập luyện thể dục, thể thao dưới nắng gắt đề phòng việc bị sốc nhiệt

THƯỢNG HẢI

"Trong lần tập chạy điền kinh 1.500 mét, có một bạn bị sốc nhiệt rồi rồi ngất giữa sân do việc chạy bộ đã tốn rất nhiều sức mà sân điền kinh lại ít có bóng mát, lúc ấy mọi người phải giãn cách ra để bạn không bị mất oxy rồi cõng ngay lên phòng y tế", Ân chia sẻ.

Trong mùa này, Ân cũng chỉ tập luyện vào buổi sáng và chiều tối, vì buổi trưa là lúc mạch với tim hoạt động rất mạnh, nếu phải tập vào buổi trưa thì Ân chỉ tập cường độ vừa phải vì nếu quá sức sẽ bị mất nước và say nóng.

"Bình thường mình tập khoảng 90-100% sức lực, nhưng trưa chỉ khoảng 70%. Và phải ăn uống thì phải ăn trước khi tập từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng, tập ở ngoài nắng thì phải mặc bộ màu sáng, quần dài áo dài tay, không mặc quá dày. Còn ở trong phòng mặc quần đùi với áo thun ba lỗ", Ân cho hay 

Chú ý thời gian vàng để làm mát bệnh nhân bị sốc nhiệt

Theo TS.BS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên bộ môn hồi sức cấp cứu và chống độc, Trường ĐH Y Dược TP.HCM: "Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt đe dọa tính mạng (nhiệt độ trung tâm cơ thể ≥ 40,5°C ). Trong quá trình tập luyện ở cường độ cao, đặc biệt dưới khí hậu nắng nóng sẽ sinh ra nhiệt nhanh hơn cơ chế tự điều hoà của cơ thể, hậu quả là thân nhiệt tăng nhanh làm tổn thương các tế bào, gây nên tình trạng rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, suy đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong".

Sốc nhiệt khi tập luyện thể dục, thể thao: Không thể coi thường! - Ảnh 3.

Cần chú ý về trang phục, cấp nước đầy đủ và không tập thể dục quá sức mùa nắng nóng

HIẾU NHÂN

Theo bác sĩ Ngọc Tú, các dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng sốc nhiệt sắp xảy ra có thể bao gồm: cáu kỉnh, bối rối, thờ ơ, hiếu chiến, bất ổn về cảm xúc hoặc hành vi phi lý. Tiếp theo là các triệu chứng: đau đầu nhói, chóng mặt, da đỏ nóng và khô, yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn và ói mửa, nhịp tim nhanh, thở mệt, mất phương hướng hoặc loạng choạng, co giật… 

"Các biến chứng nguy hiểm đe doạ tính mạng như: rối loạn nước điện giải, bất tỉnh, tiêu cơ vân, suy đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong. Sốc nhiệt do gắng sức là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở vận động viên", bác sĩ cho hay. 

Bác sĩ Ngọc Tú cũng nói thêm khi rơi vào tình trạng sốc nhiệt, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để làm hạ nhiệt độ cơ thể, nạn nhân nên được chuyển đến khu vực mát mẻ như: trong nhà hoặc khu vực có bóng râm. 

"Phun nước mát, chườm lạnh, ngoài ra có thể đặt nạn nhân dưới luồng khí lạnh của quạt máy hoặc điều hoà cũng là biện pháp hiệu quả. Nên cởi bỏ quần áo để thúc đẩy quá trình thoát nhiệt thông qua làm mát thụ động. Nửa giờ đầu là thời gian vàng để làm mát nạn nhân sau khi bị sốc nhiệt", bác sĩ này cho hay.

Sốc nhiệt khi tập luyện thể dục, thể thao: Không thể coi thường! - Ảnh 4.

Mùa nắng nóng rất dễ xảy ra tình trạng sốc nhiệt

THƯỢNG HẢI

Đặc biệt theo bác sĩ Tú, không nên quấn nạn nhân trong khăn tắm hoặc quần áo ướt vì điều này có thể gây nên cách nhiệt và làm tăng nhiệt độ cơ thể. Không sử dụng nước đá để hạ nhiệt độ cho bệnh nhân lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hoặc bất kỳ ai bị say nắng mà không do vận động mạnh.

Là huấn luyện viên thể hình chuyên nghiệp, Nguyễn Hiếu Nhân, ngụ tại 178/1 Võ Thị Sáu, Q.3 (TP.HCM) chia sẻ một số cách tập luyện tại nhà và phòng gym để tránh bị sốc nhiệt như sau: "Cần hạn chế tập thể dục gắng sức trong thời tiết nóng, đặc biệt là vào giờ nắng cao điểm. Tránh vận động trong những không gian phòng tập hạn chế không có điều hòa hoặc có hệ thống thông gió không đầy đủ và nên chuẩn bị một chiếc khăn lạnh để "làm nguội" cơ thể lúc tập luyện. Khi tập cần mặc quần áo nhẹ, rộng rãi sẽ giúp mồ hôi dễ bay hơi làm mát cơ thể và cung cấp nước, điện giải đầy đủ cho cơ thể".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.