Thí sinh làm thủ tục nhập học ở các trường |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Làm gì nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1" của Báo Thanh Niên chiều 20.9, các thầy cô đến từ các trường ĐH đã đưa ra lời khuyên dành cho thí sinh chưa trúng tuyển vào nguyện vọng 1, đồng thời thông tin cụ thể về đợt xét tuyển bổ sung và những lưu ý quan trọng để có được cơ hội đậu ĐH trong đợt này.
Nhận định về tình hình điểm chuẩn năm nay, tiến sĩ Nguyễn Đình Khiêm, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng năm nay khá bất ngờ là những ngành khối C00 tăng đột biến, đạt gần ngưỡng tuyệt đối. Ngành vốn kén nhiều thí sinh như khối C00 năm nay lại tăng cao. Có một thực tế là các trường tuyển chỉ tiêu thường sẽ hạn chế ở các khối ngành có tổ hợp khối C00 nhưng năm nay tăng đột biến làm điểm trúng tuyển tăng lên. Cũng theo một số chuyên gia thì năm nay thí sinh ở khối thi này có điểm rất cao, nên điểm chuẩn khối ngành có tổ hợp này cũng cao.
Đối với những thí sinh chưa may mắn trúng tuyển trong đợt xét tuyển đầu tiên, sẽ có những cơ hội xét tuyển bổ sung nào?, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), cho biết tại UEF, điểm nhận hồ sơ trung bình từ 16 đến 18 điểm và điểm trúng tuyển là từ 17 đến 20 điểm trong đó có 3 ngành có mức 20 điểm. Có thể do kỹ thuật đăng ký mà có thí sinh điểm cao mà không trúng tuyển. Trong trường hợp không may mắn thì các em còn cơ hội xét tuyển bổ sung và năm nay trường tuyển sinh 35 ngành, sau khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 thì cũng đồng thời có thông báo xét tuyển bổ sung cho tất cả 35 ngành. Và UEF sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ 16.9 - 3.10.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng thông tin trường sẽ tiếp tục xét bổ sung đến ngày 3.10 ở phương thức xét học bạ. Nhà trường xét bổ sung phương thức này với tất cả các ngành đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Khiêm cũng cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đang tập trung vào thực hiện hồ sơ nhập học và dự báo có xét tuyển bổ sung một số ngành. Thí sinh theo dõi trên website của trường để biết được thông tin cụ thể hơn.
Lý giải về việc tại sao điểm chuẩn cao nhưng các trường vẫn xét tuyển bổ sung, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, cho rằng sau khi thí sinh hoàn thành các thủ tục xác nhận nhập học thì các trường sẽ quyết định đến việc có tuyển bổ sung hay không. Ở các trường thì không phải ngành nào điểm chuẩn cũng cao, có những ngành cao, có ngành trung bình. Nên ở từng ngành, việc nhập học và mức độ quan tâm của thí sinh cũng khác nhau, nên sẽ có xét tuyển bổ sung ở một số ngành chưa đủ số lượng thí sinh.
Bên cạnh đó, năm nay, có những vấn đề mà thí sinh nghĩ là không quan trọng và bỏ qua trong quá trình đăng ký trên hệ thống, từ đó sẽ không đủ điều kiện để xét tuyển. Tức các bạn không hoàn tất được các quy trình xét tuyển trên hệ thống, và sẽ không có tên trên danh sách trúng tuyển, nên nếu muốn đi học đại học thì các bạn sẽ xét tuyển bổ sung. Cũng theo thầy Phương, xét tuyển bổ sung không chỉ dành cho những thí sinh không may mắn chưa đậu đại học, mà là những bạn chọn nhầm ngành không mong muốn hoặc chưa phù hợp và muốn thay đổi.
Tại chương trình, thí sinh Đào Phương Anh (Q.Bình Tân, TP.HCM) đặt câu hỏi: “Em đã trúng tuyển ngành điều dưỡng vào một trường nhưng tự dưng em ước mình trượt vì nghĩ lại thấy công việc sau này đi phục vụ người bệnh cực quá, giờ em muốn đổi ngành khác cũng khối B thì phải làm như thế nào?”.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, lấy làm tiếc khi thí sinh chưa xác định được đam mê và việc mình phù hợp với ngành nào. Tuy nhiên, thầy Phương cho rằng vẫn chưa quá muộn màng. Và khuyên Phương Anh có thể chờ các trường công bố xét tuyển bổ sung để đăng ký. Trong khối ngành sức khỏe có kỹ thuật xét nghiệm y học, y sinh… Hoặc một số lĩnh vực phù hợp như dinh dưỡng, khoa học thực phẩm hay các ngành liên quan khối B như môi trường, công nghệ thực phẩm, dược…”.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, cũng thừa nhận đây là nhóm ngành phục vụ và chăm sóc, tuy nhiên trong thời đại này thì công nghệ phát triển và hỗ trợ rất nhiều, việc chăm sóc không còn quá nhiều vất vả.
“Nếu em có các tố chất như lòng bác ái, bao dung, không sợ máu và có sự cẩn trọng, tỉ mỉ… thì nên theo học, ngành nào cũng cao quý cả. Và có thể học 1 ngành nhưng làm được nhiều nghề, cũng có thể làm tại viện dưỡng lão, trại mồ côi… nên nếu mình hiểu tâm lý của ngành rồi thì cứ nên an tâm theo học. Và có một điều là nếu chúng ta chưa trải nghiệm thì không kỳ vọng được đích thành công là như thế nào”, thạc sĩ Nguyên chia sẻ.
Thí sinh Tuấn Nguyễn thì hỏi: “Em từ trúng tuyển thành trượt vì nhập nhầm mã ngành, nên tên không còn trên danh sách trúng tuyển. giờ em có xét tuyển bổ sung được không?”.
Chia sẻ với thí sinh Tuấn Nguyễn, thạc sĩ Phương nhìn nhận nhiều thí sinh cũng như vậy, cũng có một số sai sót trong quá trình đăng ký trên cổng thông tin chung. Nhưng các em yên tâm vì vẫn còn cơ hội để xét tuyển bổ sung bằng phương thức xét học bạ vào UEF nhưng điểm trúng tuyển sẽ cao hơn đợt 1.
Bình luận (0)