Sôi động thị trường tranh Việt đương đại

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
17/07/2024 07:21 GMT+7

Thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều triển lãm, đấu giá tranh của các họa sĩ Việt đương đại; nở rộ nhiều không gian trưng bày và các hoạt động đầu tư nghệ thuật.

Nhiều triển lãm, đấu giá tranh

Sự xuất hiện nhiều triển lãm và sự kiện mỹ thuật đang mở rộng cơ hội cho công chúng tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật. Một trong số đó là Quang San Art Museum - bảo tàng nghệ thuật tư nhân do doanh nhân Nguyễn Thiều Quang xây dựng tại TP.HCM. Bên cạnh các cuộc triển lãm của những tổ chức phi lợi nhuận, các triển lãm của gallery thương mại cũng được công chúng quan tâm thời gian qua. Có thể kể đến triển lãm Thiên khải của họa sĩ Đinh Quân do Bến Thành Art tổ chức tháng 6.2023; triển lãm Awakening kỷ niệm 14 năm thành lập của Craig Thomas Gallery (tháng 9.2023); hay Galerie Quỳnh giới thiệu triển lãm White Blank với loạt tác phẩm mới của nghệ sĩ Việt kiều Pháp Trần Nữ Yên Khê (tháng 10.2023)... Tháng 6 và 7.2024 nở rộ nhiều triển lãm: Tam diện của nhóm 3 họa sĩ trẻ Mai Đức Trọng, Nguyễn Đức Duy, Đặng Đình Trung; Lụa lần 3; và mới nhất là Trần Hải Minh và hành trình 38 năm với hội họa tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM; Hoàng hoa mộng của Trần Vĩnh Thịnh…

Sôi động thị trường tranh Việt đương đại- Ảnh 1.

Khách dự triển lãm Trần Hải Minh và hành trình 38 năm với hội họa tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Đ.T

Trước đó, từ ngày 27 - 30.4.2024, tại Trung tâm nghệ thuật The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM), câu lạc bộ sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà và nhà đấu giá PI Auction House đã phối hợp tổ chức trưng bày, bán đấu giá 198 tác phẩm nghệ thuật mang tên Một vòng Việt Nam. Ngoài tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Phạm Hậu…, nhà đấu giá PI Auction House còn bán tranh của rất nhiều họa sĩ đương đại như Công Quốc Hà, Phạm Lực, Nguyễn Thanh Bình, Phan Thanh Minh… với giá từ vài trăm đến vài ngàn USD/bức.

Thị trường dần có đất sống

Bà Thúy Nga, đồng sáng lập Alpha Art Station Gallery (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nhận định: "Tuy chưa thể so với các thị trường trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Indonesia nhưng thị trường tranh Việt hiện nay đã có bước phát triển đáng kể. Khi đời sống vật chất được nâng cao thì sưu tập tranh trở thành nhu cầu của công chúng. Trước tiên, nhà sưu tập nên tiếp cận với tác phẩm của họa sĩ đương đại. Không nên mạo hiểm mua những bức tranh của danh họa đắt tiền trong khi chưa thể xác định thật hay giả, không rõ nguồn gốc".

Sôi động thị trường tranh Việt đương đại- Ảnh 2.

Buổi đấu giá Một vòng Việt Nam tại TP.HCM tháng 4.2024

Đ.T

Ông Ace Lê, Giám đốc điều hành thị trường VN của Sotheby's, cho rằng nhiều họa sĩ đương đại Việt đang giao dịch tranh từ vài ngàn tới thậm chí cả trăm ngàn USD trong thị trường sơ cấp. Theo ông Ace Lê, hiện nay đa số tác phẩm nghệ thuật đương đại VN đều chưa xuất hiện trên sàn đấu giá, dù giao dịch sơ cấp bên ngoài nhiều - chủ yếu bán qua gallery, môi giới độc lập hoặc trực tiếp từ studio họa sĩ.

Theo giám tuyển Lý Đợi: "Các họa sĩ đương đại VN có tranh bán trên 50.000 USD/bức là khá nhiều. Cả nước hiện nay có hơn 100 họa sĩ bán tranh trên giá này, trong đó đặc biệt có cả họa sĩ bán tranh giá vài trăm ngàn USD. Những họa sĩ 60 - 70 tuổi đổ lại có Hồng Việt Dũng, Bùi Hữu Hùng, Đặng Xuân Hòa, Phạm An Hải, Lê Kinh Tài, Trần Hải Minh... Riêng Trần Hải Minh là một trong vài họa sĩ theo phong cách trừu tượng bán tranh giá cao: từ 20.000 - 50.000 USD/bức tùy kích thước. Sau những họa sĩ kể trên là thế hệ Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Khắc Chinh, Vũ Đình Tuấn… thu nhập mỗi người hơn 2 tỉ đồng/năm. Số họa sĩ Việt đạt thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm từ tranh hiện khoảng 200 người".

Sôi động thị trường tranh Việt đương đại- Ảnh 3.

Một tác phẩm trong triển lãm White Blank của nghệ sĩ Việt kiều Pháp Trần Nữ Yên Khê

Đ.T

Bà Thúy Nga cho biết: "Nhóm đầu tư nghệ thuật mới nổi lên gần đây có một nhà sưu tập được nhắc đến nhiều do có sức mua mạnh, sở hữu nhiều tranh trừu tượng, sưu tập không ít tác phẩm của Trần Lưu Hậu, Trần Hải Minh và các họa sĩ Đông Dương".

Ngoài ra, theo bà Thúy Nga, sự sôi động của thị trường mỹ thuật kéo theo sự xuất hiện nhóm nhà đầu tư tạm gọi là "nhóm đầu tư nghệ thuật trên mạng xã hội". Họ thường cập nhật các bức tranh sở hữu lên trang cá nhân, treo tác phẩm trong không gian sống và làm việc, viết sách để chia sẻ về triết lý kinh doanh gắn liền với sưu tập nghệ thuật. Họ mua để đầu tư và cũng thưởng thức tác phẩm trong suốt quá trình đó, sẵn sàng sang nhượng tác phẩm khi có người trả giá cao hơn. "Nhóm đầu tư nghệ thuật mới dù gia nhập thị trường chưa lâu nhưng cũng gây ấn tượng vì số lượng lớn tác phẩm sở hữu. Họ thường là chủ doanh nghiệp, có đội - nhóm tư vấn riêng, thường giao dịch qua các phòng tranh, mua tranh có hóa đơn và hạch toán vào chi phí hoạt động của công ty", bà Thúy Nga cho biết.

Giám tuyển Ace Lê cho rằng mục tiêu tăng cường tiếp cận của công chúng Việt với nghệ thuật là quan trọng nhất. Cần hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật để làm nền tảng vững chắc cho một thị trường tranh lành mạnh, sôi động. Hạ tầng cơ sở đó trước hết bao gồm khung chính sách, luật pháp để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia. Thứ đến là hệ thống giáo dục, cần có bộ môn tiếp cận tới mỹ thuật và lịch sử mỹ thuật cho trẻ em; đi kèm với hệ thống bảo tàng, gallery rộng khắp để đưa nghệ thuật đến gần với công chúng hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.