Xã đổ lỗi do thôn tự tổ chức
Ngay khi tiếp nhận thông tin từ PV Thanh Niên qua điện thoại về việc có tình trạng đá gà ăn tiền náo động tại lễ hội truyền thống đầu xuân trên địa bàn, ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Phượng Dực (H.Phú Xuyên, Hà Nội), đã chủ động đề cập đến lễ hội của thôn Xuân La (xã Phượng Dực), rồi quả quyết: "Chỉ đá cho vui thôi chứ không ăn tiền".
Về quy trình cấp phép tổ chức lễ hội truyền thống, ông Đôn cho hay trước đó thôn Xuân La có tờ trình về nội dung lễ hội, bao gồm phần lễ và phần hội. Trong phần hội có nhiều tiết mục, hoạt động, và thôn có đề xuất tiết mục chọi gà nhưng xã không đồng ý cho tổ chức. Tuy nhiên, về sau "thôn vẫn đứng ra tổ chức để các đôi gà trong làng đá vui với nhau".
"Trong lễ hội có một bộ phận đứng ra quản lý trò chọi gà. Anh em mang gà đến đình làng tổ chức đá với nhau thôi chứ có tiền đâu. Đá gà ăn tiền thì bọn tôi cho công an bắt ngay. Lực lượng công an xã cử người xuống ngay lễ hội", ông Đôn khẳng định.
Trong khi đó, thông tin với chúng tôi vào ngày lễ hội diễn ra giữa tháng giêng, một người đàn ông mặc áo dân phòng, đeo thẻ đỏ "Ban tổ chức" cho biết mấy hôm nay, ngày nào cũng tổ chức đá gà.
"Hôm qua (14 tháng giêng năm Quý Mão - PV) đá "ác" nhưng nhỏ hơn. Hôm qua chỉ bằng một nửa hôm nay. Người từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội về. Lượng xe tôi trông ở đằng kia thấy khoảng 50 ô tô, toàn xe đẹp", người đàn ông này nói và phân bua ở đây không phải sới đá gà, chỉ là... hội làng (!)
Để tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý lễ hội, PV Thanh Niên đã tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND H.Phú Xuyên và thượng tá Lê Tiến Bắc, Trưởng công an H.Phú Xuyên, nhưng cả hai vị này đều không bắt máy. Dù PV gửi lại tin nhắn trình bày nội dung muốn tìm hiểu, nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn không nhận được phản hồi.
Còn tại xã Đại Thành (H.Quốc Oai, Hà Nội), ông Lý Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết các lễ hội hằng năm ở thôn xóm thì đều có tờ trình, sau đó xã sẽ phê duyệt về tổ chức phần lễ và phần hội. Riêng nội dung tổ chức đá gà thì không có trong hoạt động lễ hội và "chẳng ai dám cho đá".
"Ở thôn đã làm tờ trình đề nghị UBND xã cho tổ chức lễ hội. Chúng tôi phê duyệt rồi giao nhiệm vụ cho công an và thôn quản lý lễ hội theo đúng quy định", ông Quang nói và tái khẳng định, trên địa bàn không cho tổ chức đá gà dưới bất cứ hình thức nào.
Phải phù hợp thuần phong, mỹ tục
Ngày 13.2, PV Thanh Niên mang những gì ghi nhận được về các sới gà biến tướng náo động lễ hội, hỏi một vị lãnh đạo Công an TP.Hà Nội, thật ngạc nhiên là vị này không hay biết địa phương lại có hoạt động này. Vị này nói: "Ở Hà Nội làm gì có đá gà".
Đồng thời, vị lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đề nghị PV cung cấp thông tin 3 địa điểm để giao công an địa phương kiểm tra, xác minh. Hơn 1 tuần sau, vị lãnh đạo này cho biết Công an TP.Hà Nội vẫn đang xác minh, chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, theo thông tin PV có được, cơ quan chức năng ban đầu đã xác định một trong 3 địa điểm mà PV cung cấp có hoạt động đá gà ăn tiền, thậm chí có cả xóc đĩa.
Theo Sở VH-TT Hà Nội, địa bàn TP.Hà Nội có hơn 1.200 lễ hội lớn nhỏ và là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Trước Tết Nguyên đán 2023, sở đã ban hành kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn nhằm triển khai các hoạt động và hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai, thực hiện quản lý, tổ chức lễ hội phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, Sở VH-TT Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương phải quản lý, tổ chức lễ hội phù hợp thuần phong, mỹ tục, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra các hoạt động vi phạm pháp luật.
Quảng cáo đá gà rầm rộ trên mạng xã hội
Không tính các trường hợp xảy ra tại H.Phú Xuyên và H.Quốc Oai, trên mạng xã hội, hoạt động đá gà tại các lễ hội còn được quảng cáo công khai.
Đơn cử như ngày 21.1, tài khoản Facebook có tên N.K đã thông báo công khai về việc: "Các cụ thôn An Duyên và UBND xã Tô Hiệu (H.Thường Tín, Hà Nội) cho tổ chức lễ hội, trong đó có trò chọi gà tranh cờ. Địa chỉ tổ chức là chùa Mui, thôn An Duyên; đầu mối ban tổ chức là người đàn ông tên P., có số điện thoại 0384.334.xxx".
Ngày 15.2, tài khoản có tên K.T.T thông báo từ 18 - 23.2, tại đình làng thôn Kim Châu (xã Kim Thư, H.Thanh Oai, Hà Nội) cũng tổ chức chọi gà tranh cờ tại lễ hội địa phương.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tài khoản N.K và K.T.T chính là người đã có mặt tại sới đá gà ăn tiền ở lễ hội thôn Xuân La (xã Phượng Dực, H.Phú Xuyên).
Hành vi đánh bạc
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội), chơi đá gà vốn là một nét đẹp văn hóa thường được tổ chức vào dịp hội làng. Tuy nhiên, do biến tướng dưới nhiều hình thức nên nét đẹp này dần bị xóa bỏ, để tránh kẻ xấu lợi dụng kiếm tiền trái phép.
Luật sư Tiền khẳng định, pháp luật nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, việc cá cược ăn tiền ở các sới gà truyền thống là hành vi đánh bạc. Tùy theo mức độ của hành vi, quy mô cá cược mà người tổ chức và những người tham gia có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hình sự, theo luật sư Tiền, người nào thực hiện hành vi đá gà nhằm mục đích kiếm tiền trái phép, thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên, hoặc có giá trị dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích, có thể bị xử lý tội đánh bạc, quy định tại điều 321 bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Nếu tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên, thì mức phạt tù áp dụng với người phạm tội sẽ là từ 3 - 7 năm.
Đối với người tổ chức đá gà ăn tiền sẽ bị xử lý về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, quy định tại điều 322 bộ luật Hình sự. Người phạm tội sẽ bị phạt từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Nếu số tiền thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên thì mức phạt tù sẽ lên tới 5 - 10 năm.
Bình luận (0)