Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM

17/06/2023 12:08 GMT+7

Tuần lễ Sách của người làm báo giới thiệu đến công chúng và ngay chính đội ngũ những người làm báo những tác phẩm hay, hấp dẫn do các đồng nghiệp thực hiện, góp phần đẩy mạnh và lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc đến với công chúng và phong phú thêm không gian văn hóa tại TP.HCM.

Tại Đường Sách TP.HCM, sáng 17.6, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở TT-TT TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và Báo Thanh Niên đã long trọng khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo với nhiều hoạt động sôi nổi, nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023).

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại lễ khai mạc

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 2.

Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: "Đây là dịp để các cơ quan báo chí giới thiệu những cuốn sách tập hợp từ những bài viết đã đăng trên báo giấy, báo điện tử, các tác phẩm sáng tác từ các cuộc thi của báo mình và sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu đến độc giả trong thời gian tới thông qua các chương trình giao lưu, giới thiệu sách của một cơ quan báo chí… Các tác phẩm không chỉ mang giá trị về nội dung mà còn có giá trị lưu trữ theo thời gian"

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 3.

Các đại biểu cùng cắt băng khai mạc

NGỌC DƯƠNG

Tuần lễ Sách của người làm báo (diễn ra từ ngày 17 – 22.6) vinh dự đón tiếp ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Lãnh đạo Sở TT – TT TP.HCM có ông Lâm Đình Thắng – thành ủy viên, Giám đốc Sở TT – TT TP.HCM; đồng trưởng ban tổ chức: nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà báo Lý Việt Trung – Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Ủy viên T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên

Về phía đơn vị tài trợ có ông Lê Trần Trường An - Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, ông Dương Duy Lâm Viên – Tổng Thư ký Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Giám đốc điều hành Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam, ông Trần Hoài Nam – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)

Khởi động Tuần lễ sách của người làm báo: Làn gió mới tại đường sách thành phố

Tuần lễ Sách của người làm báo được tổ chức nhằm hưởng ứng phát động của Bộ TT - TT về Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, tôn vinh sách và cổ vũ, phát triển phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo tại TP.HCM, đồng thời thiết thực đẩy mạnh phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam do Ban tuyên giáo T.Ư, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT - TT phối hợp phát động hiện đang được các cơ quan báo chí triển khai thực hiện.

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 4.

Đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP.HCM và Tổng Biên tập Báo Thanh Niên trao kỷ niệm chương tặng hai đơn vị tài trợ (giữa)

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 5.

Độc giả tham quan khu trưng bày sách

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 6.

Ban tổ chức (bên trái và phải) tặng sách cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Khoa báo chí, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

NGỌC DƯƠNG

Mở đầu lễ khai mạc là các tiết mục văn nghệ chào mừng do chính các nhà báo của báo Sài Gòn Giải Phóng, Đài truyền hình TP.HCM (HTV), Người Lao Động và báo Thanh Niên biểu diễn: Những ánh sao đêm, Những bông hoa trong vườn Bác, Phố xa, Vào hạ...

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng khẳng định: "Đây là dịp để các cơ quan báo chí giới thiệu những cuốn sách tập hợp từ những bài viết đã đăng trên báo giấy, báo điện tử, các tác phẩm sáng tác từ các cuộc thi của báo mình và sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu đến độc giả trong thời gian tới thông qua các chương trình giao lưu, giới thiệu sách của một cơ quan báo chí… Các tác phẩm không chỉ mang giá trị về nội dung mà còn có giá trị lưu trữ theo thời gian".

Cũng theo nhà báo Trần Trọng Dũng: "Ở năm đầu tiên tổ chức, Ban tổ chức kỳ vọng tạo ra những hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; cổ vũ phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo; khuyến khích nhà báo tham gia viết sách, chuyển tải đến bạn đọc những trang sách mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn liền với dòng chảy của thời sự xã hội. Với thế mạnh về bút lực trong thời gian công tác tại các cơ quan báo chí, các nhà báo sẽ tạo nên những tác phẩm mang đậm tính thời đại". 

Để khuyến khích hoạt động sáng tác của các nhà báo, Ban Tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho những nhà báo có sách đoạt giải thưởng cao của TP.HCM và T.Ư: Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Giải B văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1977, Giải A Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, Giải cao nhất văn xuôi - Giải VHNT Huỳnh Văn Nghệ năm 2015; Nhà báo Dương Thành Truyền với tác phẩm Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo (Giải B Giải thưởng về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018-2020).

Tiếp đó kỷ niệm chương cũng được trao cho các nhà báo Khuynh Diệp: Giải nhì Cuộc thi phóng sự - Ký sự báo chí 2015 – 2016; Nhà báo Nguyễn Hồng Lam: Tác phẩm Bản tình ca khúc khuỷu (Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2022); Nhà báo Lê Minh Quốc: Chào thế giới bây giờ con đã đến (Giải C - Giải thưởng sách quốc gia năm 2020); Nhà báo Lại Văn Long: Hồ sơ lửa được Tổ chức kỷ lục VN xác lập kỷ lục Bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất VN được thực hiện trong 30 năm (1992 - 2022); Giải thưởng Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ IV (2017 - 2020); Nhà báo Bùi Phan Thảo: Tác phẩm Ngọn khói về trời Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2022, Giải Mai vàng của Báo Người Lao động năm 2022 về Văn hóa - Nghệ thuật; Nhà báo Bùi Tiểu Quyên: Cà Nóng chu du Trường Sa (Giải thưởng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn TPHCM 2022), Giải Mai Vàng của báo Người Lao Động 2022, Giải C - Giải thưởng Sách Quốc gia 2022.

Tuần lễ Sách còn diễn ra nhiều sự kiện giao lưu giới thiệu sách của các nhà báo đã và đang công tác tại các tờ báo: báo Công An TP.HCM, Phụ Nữ TP.HCM, Người Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng... Đây cũng là dịp để những người làm báo họp mặt, gắn kết, chia sẻ về công việc, cuộc sống và những trải nghiệm khi viết sách.

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 7.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Ủy viên T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên (trái) và nhà báo Trần Thanh Bình có sách trưng bày tại Tuần lễ Sách của người làm báo

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 8.

Niềm vui của các nhà báo tại ngày khai mạc

Sôi nổi ngày khai mạc 'Tuần lễ Sách của người làm báo' tại Đường Sách TP.HCM - Ảnh 9.

Các ấn phẩm của các nhà báo giới thiệu tại Đường Sách TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

"Tuần lễ Sách của Người làm báo cho thấy sự đa năng của các nhà báo, là dịp để đội ngũ những người làm báo có cơ hội thể hiện mình. Khi một quyển sách in ra, dù có thể là tập hợp dưới dạng tuyến bài hay phóng sự - ký sự thì thông qua hình thức thể hiện mới là... sách, sức hấp dẫn lại khác. Đọc tác phẩm, độc giả có thể nhận ra được khuynh hướng viết của tác giả là gì, rồi suy nghĩ ưu tư, trăn trở của nhà báo cùng những thông điệp cuộc sống được nhắn nhủ một cách hệ thống, đường dài hơn. Từ đó, giá trị nhân văn và tính cộng hưởng mang lại từ sách sẽ hiệu quả, khiến tác phẩm có tầm vóc hơn so với việc từng bài báo đặt riêng lẻ", nhà báo Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định.

Nhà báo Hoàng Hải Vân giao lưu với độc giả về cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và điệp vụ siêu hạng

Lúc 15 giờ ngày 17.6, nhà báo Hoàng Hải Vân – nguyên Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên giao lưu với độc giả về cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và điệp vụ siêu hạng xoay quanh những câu chuyện chưa kể về nhà tình báo bí ẩn Đặng Trần Đức (ông Ba Quốc)

Ông chính là Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Đặng Trần Đức, đồng đội gọi ông là Ba Quốc. Ông cũng là người thầy lỗi lạc đã dìu dắt Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam trưởng thành từ những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực tình báo.

Trong hơn 20 năm hoạt động "trong lòng" địch, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo.

Ông cũng là vị tướng tình báo bí ẩn nhất, không chỉ với công chúng mà còn với cả lực lượng vũ trang và lãnh đạo đất nước. Rất ít người biết về những chiến công lẫy lừng của ông, trừ những cán bộ có trách nhiệm trong ngành tình báo cùng một số ít vị lãnh đạo cấp cao trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia.

Với mong muốn tôn vinh người anh hùng thầm lặng và để nhiều người hiểu thêm về những chiến công hiển hách cũng như những hy sinh thầm lặng của lực lượng tình báo Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đề nghị hai nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú tập hợp và biên soạn các bài báo, kèm theo một số thông tin mới cùng những suy ngẫm của họ qua 20 năm nhìn lại. Cuốn sách "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng" tập hợp loạt ký sự dài 36 kỳ được đăng trên báo Thanh Niên vào năm 2004, đồng thời bổ sung một phần về hoạt động của ông Ba Quốc sau năm 1975 – với những chiến công mà các tác giả phải thừa nhận là "lừng lẫy" hơn những gì họ có thể tưởng tượng.

Thông qua 36 câu chuyện thấm đẫm tình nhân nghĩa, cuốn sách chứa đựng nhiều bài học quý báu không chỉ về nghiệp vụ tình báo mà còn về cách đối nhân xử thế, những quan điểm và thái độ sống mà thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi.

Bên cạnh đó, tám bài viết kể về những hoạt động sau năm 1975 của ông tướng tình báo Ba Quốc còn là những di sản vô giá trong kho tàng khoa học quân sự - chính trị Việt Nam mà ông và các bậc tiền nhân truyền lại cho thế hệ sau. Không chỉ vậy, cuốn sách còn chứa đựng nhiều bài học về nghệ thuật lãnh đạo, đặc biệt là về tầm quan trọng của lòng dân.

Với văn phong báo chí đầy kịch tính và cách dẫn chuyện tài tình khéo léo, Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng lôi cuốn bạn đọc ngay từ những trang sách đầu tiên, thông qua từng câu chuyện tình báo hấp dẫn diễn ra trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.