Báo cáo của Sở NN-PTNT cho thấy trong năm 2016 không phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng quy định tại vùng sản xuất của thành phố. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể nhận diện được sản phẩn nào là an toàn. Chính vì vậy Sở NN-PTNT đã triển khai thực hiện thí điểm truy xuất nguồn gốc rau. Chương trình có sự phối hợp với Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao DAA.
Từ tháng 5.2016, Sở đã khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu, lựa chọn mô hình để triển khai thực hiện. Chương trình đã lựa chọn được 2 mô hình thí điểm là Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An với các sản phẩm là cải ngọt, cải xanh, cải ngồng, cải thìa, mồng tơi, rau mát, rau dền, rau muống, bồ ngót, rau lang, cần nước. Bên cạnh đó là Hợp tác xã dịch vụ Phú Lộc với các sản phẩm là khổ qua, bầu, bí xanh, dưa leo, cải xanh, cải ngọt.
Các sản phẩm được phân phối tại các siêu thị Co.op Mart, Big C, Lotte, AEON. Đại diện 2 hợp tác xã Phú Lộc và Phước An cho biết tổng sản lượng mà các kênh phân phối này đặt hàng khoảng 10 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết: "Ngày 18.1, rau được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ chính thức ra mắt người tiêu dùng thành phố. Hiện nay chọn thí điểm 2 hợp tác xã này sau đó sẽ tiếp tục mở rộng đến nhiều nông dân sản xuất rau trên địa bàn thành phố. Sản phẩm truy xuất nguồn gốc được giới hạn đối với sản phẩm rau đóng gói".
Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh và dùng ứng dụng Zalo để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó có thể dùng các phần mềm quét mã QR khác để kiểm tra nguồn gốc rau.
Bình luận (0)