Sỏi thận được cấu tạo chủ yếu từ canxi, oxalat và axit uric. Trong đó, canxi chiếm 80 đến 85% thành phần viên sỏi, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Tùy theo kích thước viên sỏi mà người bệnh có thể phải mất từ 2 đến 4 tuần mới đào thải sỏi ra ngoài |
SHUTTERSTOCK |
Trong hầu hết thời gian, các chất trên được thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Trong những trường hợp chúng kết tinh lại thành sỏi thì kích thước sỏi sẽ có hình dạng không đều nhau.
Sỏi thận sẽ có viên nhỏ như hạt cát nhưng cũng có khi lớn bằng trái banh golf.
Bệnh sỏi thận có thể gây đau. Vị trí đau sẽ nằm giữa dạ dày và lưng, thường đau một bên cơ thể. Khi sỏi di chuyển xuống bàng quang thì cũng có thể gây đau háng.
Sỏi sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể bằng đường tiểu. Những viên nhỏ sẽ đi ra ngoài một cách dễ dàng, thậm chí người bệnh có thể không cảm nhận được. Tuy nhiên, những viên lớn sẽ gây đau do làm tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu.
Mất bao lâu để sỏi thận đào thải ra ngoài tùy thuộc nhiều vào kích thước của viên sỏi. Những viên sỏi nhỏ dưới 4 mm có thể mất 1 đến 2 tuần để đào thải ra ngoài. Trong khi đó, khoảng thời gian này với những viên lớn hơn 4 mm sẽ là 2 đến 6 tuần.
Ngoài ra, số lượng sỏi trong thận và tuổi tác cũng ảnh hưởng đến thời gian sỏi thận được bài tiết ra ngoài. Thông thường, sỏi di chuyển từ thận xuống bàng quang sẽ mất vài ngày.
Nhưng ở nam giới lớn tuổi, tuyến tiền liệt phì đại có thể khiến quá trình này lâu hơn.
Trong trường hợp viên sỏi thận quá lớn và khó đi qua đường tiết niệu thì sẽ cần điều trị bằng phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích. Sóng xung kích năng lượng cao sẽ phá vỡ những viên sỏi lớn trong thận thành nhiều mảnh nhỏ, nhờ đó dễ đào thải ra ngoài hơn.
Một biện pháp khác để xử lý những viên sỏi lớn là tán sỏi qua nội soi niệu quản. Bác sĩ sẽ dùng ống soi niệu quản đưa vào niệu đạo, lên đến bàng quang và niệu quản để tiếp cận viên sỏi. Viên sỏi sẽ được phá vỡ bằng laser. Nếu nội soi niệu quản không thành công thì cần phải phẫu thuật, theo Healthline.
Bình luận (0)