'Soi' tiến độ giải quyết các dự án bất động sản 'tắc'

Đình Sơn
Đình Sơn
02/08/2023 06:35 GMT+7

Sau hơn một năm rưỡi triển khai các giải pháp "giải cứu" thì đến nay, hơn 156 dự án bất động sản bị "tắc" vẫn chưa có một kết quả nào cụ thể. Ở chiều ngược lại, sức khỏe các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng ốm yếu.

Chờ đợi mỏi mòn

Từ đầu năm, lãnh đạo TP.HCM đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án bất động sản (BĐS) bị vướng mắc pháp lý. Thêm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, khiến các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng 156 dự án đang "tắc" pháp lý trên địa bàn TP sẽ được giải quyết trong năm nay. Nhưng đến thời điểm này, khi đã bước vào tháng 8, soi lại các dự án này thì tình trạng hầu hết vẫn giậm chân tại chỗ.

'Soi' tiến độ giải quyết các dự án bất động sản 'tắc'  - Ảnh 1.

Dự án của Công ty Gotec Land đã phải dừng thi công nhiều tháng qua

ĐÌNH SƠN

Shizen Home (Q.7, TP.HCM) của Công ty Gotec Land là một trong 5 dự án đầu tiên được TP.HCM có chủ trương tháo gỡ khó khăn. Cụ thể khi đó, TP cho dự án này cùng với 4 dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị mới khác được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, tương đương với 5.432 căn hộ. Việc này theo lãnh đạo TP.HCM là để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn. 

Thế nhưng, nhiều tháng trôi qua đến nay, DN vẫn ngóng chờ một thông báo chính thức từ Sở Xây dựng TP.HCM nhưng không có. Lãnh đạo DN này chia sẻ, trước đó vì quá khó khăn, bị dồn đến chân tường họ đã kiện Sở Xây dựng vì "năm lần bảy lượt" nộp hồ sơ đến Sở Xây dựng xin giải quyết thủ tục cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà ở trong tương lai theo luật Kinh doanh BĐS, để làm cơ sở cho DN bán hàng. 

Song hồ sơ liên tục bị trả về với câu trả lời miệng là "đợi rà soát pháp lý" dù dự án đã đóng tiền sử dụng đất, đã được cấp giấy chứng nhận, được cấp phép xây dựng và DN cũng đã xây dựng đến tầng hầm… Việc dự án không được chấp thuận cho bán khiến DN trong một thời gian ngắn thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng vì không bán được hàng, không có doanh thu lại phải nuôi bộ máy, trả lãi vay ngân hàng…

Lãnh đạo một DN khác cũng nằm trong số các dự án được TP "hứa" tháo gỡ khó khăn trong việc cấp sổ hồng cho người mua nhà chán nản thông tin, đến nay TP vẫn đang thực hiện rà soát xem dự án có phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung hay không. Nếu có DN sẽ phải đi đóng số tiền này, xong mới cấp sổ hồng cho khách hàng. Thế nhưng thủ tục này rất lâu, rất khó. 

"Dự án sẽ phải định giá, thẩm định lại các chỉ tiêu quy hoạch để xem đóng thêm bao nhiêu. Xong khâu này rồi còn qua rất nhiều khâu, từ việc trình lên các sở ngành rồi lên UBND TP.HCM. Rất nhiêu khê vì còn xem xét, rà soát đủ thứ mới thông qua. Đến nay DN, người mua nhà vẫn phải tiếp tục chờ, không hề dễ dàng dù dự án có phải đóng hay không thì còn chưa biết", vị này nói.

Tại Đồng Nai, Bình Thuận, các dự án của Tập đoàn Novaland và Tập đoàn Hưng Thịnh được chính quyền địa phương cùng với T.Ư tích cực hỗ trợ, gỡ các nút thắt bằng nhiều buổi làm việc. Thậm chí Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã trực tiếp làm việc với hai địa phương này và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhưng đến nay các vướng mắc của DN vẫn "đóng băng" như trước khiến những khó khăn ngày càng trầm trọng.

Hàng trăm dự án bất động sản ở TP.HCM vẫn bế tắc

DOANH NGHIỆP TỰ "BƠI" TRONG TUYỆT VỌNG

Lãnh đạo một DN BĐS nói rằng chính sách, pháp lý thực hiện dự án đã khó, tới đây khi Thông tư số 06 có hiệu lực các DN và thị trường BĐS sẽ càng khó khăn hơn khi Ngân hàng Nhà nước đưa thêm nhiều rào cản khiến DN, người dân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng hơn nữa. Cụ thể, Thông tư 06 thêm 4 nhóm đối tượng nữa không được vay vốn ngân hàng. "Không thể phủ nhận các nỗ lực từ T.Ư, các bộ ngành, các địa phương. Nhưng không hiểu vì lý do gì các chỉ đạo, điều hành vẫn chưa thẩm thấu, chưa được giải quyết triệt để nên vẫn không có hiệu quả cụ thể", vị này cho hay.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trên địa bàn TP.HCM đang có 156 dự án BĐS của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, khoảng 70% vướng mắc, khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý. Dù ghi nhận nỗ lực của TP, của Chính phủ, các bộ ngành nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho DN còn rất chậm chạp. Nhưng theo ông Châu, vướng ở đây là vướng luật và các nghị định, thông tư vì tất cả còn đang sửa.

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong hơn 8 năm qua, Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định 5 phương pháp định giá đất bao gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất và chỉ cho phép áp dụng "phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất" để "xác định giá đất cụ thể" đối với "thửa đất, khu đất mà thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất dưới 30 tỉ đồng đối với các TP trực thuộc T.Ư; dưới 10 tỉ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỉ đồng đối với các tỉnh còn lại…". Nhưng trong thực tế, đa số các dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị đều có giá đất cao hơn mức 30 tỉ đồng so với bảng giá đất của địa phương, nên tất cả các địa phương chủ yếu áp dụng "phương pháp thặng dư" để định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị. Điển hình là TP.HCM từ ngày 1.7.2014 (ngày Nghị định 44 có hiệu lực) đến nay, đã thực hiện tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất 320 dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị và đã áp dụng "phương pháp thặng dư" đối với 280 dự án, chiếm đến 87,5%. Vì vậy, HoRea đề nghị giữ lại phương pháp thặng dư để tính tiền sử dụng đất, nếu không tình trạng "tắc" của các dự án hiện nay khó tháo và dự án mới càng khó khăn hơn.

"Cần ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, của các địa phương. Như tuần vừa qua Chủ tịch TP.HCM trực tiếp họp gỡ khó cho 3 dự án cực kỳ khó. HoREA và Sở Xây dựng đang rà lại các vướng mắc. Khó khăn ở đâu cần gỡ vướng ở đó. Nhưng cần làm nhanh hơn nữa, khẩn trương hơn nữa, kịp thời hơn nữa. Ví dụ như tiếp cận tín dụng là vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay. Bởi nó có tác động lớn nhất, tức thì và lan tỏa. Nhưng chính sách tín dụng không thay đổi điều kiện tiếp cận mà còn tăng thêm 4 điều cấm là không được", ông Lê Hoàng Châu nói và ví von: Một khách hàng đến ngân hàng vay tiền. Mới đến cổng bảo vệ đã không cho vào thì nói gì điều kiện, nói gì được vay. Thời điểm này phải tạo điều kiện cho những DN đang nỗ lực phục hồi được tiếp cận tín dụng. Đồng thời cần tháo gỡ pháp lý nhanh chóng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục, trình tự thuộc thẩm quyền của các tỉnh. Lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa thay vì chỉ hô hào.

"Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc ở khâu tính tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại, vì tình trạng chậm xác định tiền sử dụng đất dự án vừa làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, vừa gây thiệt hại cho DN và người mua nhà… Nếu giải quyết ngay các hồ sơ nộp tiền sử dụng đất cho số dự án nhà ở thương mại đang có vướng mắc sẽ giúp ngân sách nhà nước thu được rất nhiều tiền. Nguồn lực từ lĩnh vực BĐS rất lớn. Khơi thông, phục hồi được nguồn lực này không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đáp ứng nhu cầu nhà ở, sản xuất, kinh doanh", ông Châu nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.