Lưu vực hơn 10.000 km² của sông Ba tạo nên một vùng đất màu mỡ rộng hàng ngàn héc ta. Thế nhưng từ khi có dự án thủy điện An Khê - Ka Nak (khánh thành năm 2011), dòng chảy sông Ba bị thay đổi, gây ra nhiều hệ lụy. Để tích nước cho hoạt động dự án thủy điện An Khê - Ka Nak, hầu hết nước sông Ba thay vì chảy qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, lại bị chuyển dòng về sông Kôn ở H.Tây Sơn (Bình Định). Vì vậy, sông Ba từ TX.An Khê (Gia Lai) đến vùng hạ lưu ở tỉnh Phú Yên nhiều đoạn trơ đáy. Cuộc sống của hơn 1 triệu người dân vùng hạ lưu sông Ba từ đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
An Khê - Ka Nak là công trình thủy điện duy nhất ở VN không trả nước về chính dòng sông nó lấy nước, mà chuyển sang dòng sông khác. Vào mùa khô, hàng chục ngàn héc ta cây trồng vùng hạ lưu sông Ba thiếu nước tưới. Nông dân TX.An Khê và các huyện Kon Chro, Krông Pa, Ia Pa (Gia Lai) cũng như ở Phú Yên như ngồi trên lửa. Tình hình khô hạn ở vùng đông, đông nam Gia Lai thêm phần khốc liệt. Tại H.Kon Chro (Gia Lai), các công sở, nhà trẻ, trường nội trú và nhiều người dân lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt vì nguồn nước máy từ sông Ba không còn bảo đảm.
Thiếu nước, sông Ba đang dần bị bức tử. Người dân khiếu kiện, kiến nghị nhưng không đi tới đâu. Tại diễn đàn Quốc hội vào thời điểm tháng 4.2016, ông Huỳnh Thành, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai khi đó, đã gọi công trình thủy điện An Khê - Ka Nak là "sai lầm thế kỷ".
Con sông bị bẻ dòng chảy
Bạn đọc (BĐ) bất bình trước thông tin thủy điện An Khê - Ka Nak lấy nước sông Ba để chạy máy phát điện, nhưng không trả lại nước cho chính con sông này. "Lẽ ra nước sông Ba thì phải đổ xuống sông Ba, đằng này lại đổ ra sông Kôn. Hậu quả làm ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế. Lúc xây thủy điện thì phải biết suy tính chứ. Chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ hậu quả sau này", BĐ Nghia Dang Trung bày tỏ.
BĐ Trần Quân nhìn nhận: "Việc xây dựng thủy điện vốn đã tác động nhiều đến dòng chảy tự nhiên rồi, lại còn bẻ dòng con sông đó sau khi đã lấy nước của nó để chạy tuabin thì thật là kỳ lạ. Hơn 1 triệu người sinh sống dọc hạ lưu sông Ba bị ảnh hưởng đời sống mưu sinh, làm ăn là chuyện rất nghiêm trọng".
BĐ Toan Huu Van nêu thêm thắc mắc về việc công trình này có hai bậc với dung tích hồ chứa không tương ứng với công suất nhà máy: "Lạ thật. Bậc trên 285 triệu m³ nhưng công suất nhà máy chỉ 10 MW. Bậc dưới 5,6 triệu m³ nhưng công suất nhà máy lên đến 160 MW".
BĐ hoangquoc68ak tán đồng quan điểm "quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak là trái với quy luật dòng chảy tự nhiên của sông Ba, can thiệp thô bạo và nghịch thiên" mà ông Đinh Văn Cương, Chủ tịch UBND TX.An Khê, đưa ra khi trao đổi với PV Thanh Niên. "Cảm ơn đã nói lên được suy nghĩ của người dân TX.An Khê. Con sông thực sự đang thoi thóp", BĐ này chia sẻ.
Trả lại nguồn nước cho người dân
Cứu sông Ba là vấn đề bức thiết, người dân 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên mong ngóng, cử tri và lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đã kiến nghị lên Bộ NN-PTNT về việc điều tiết nước dòng chảy sông Ba sau thủy điện An Khê - Ka Nak. "Cần thiết trả lại dòng chảy cho sông Ba, nơi lưu vực của con sông này có bao nhiêu con người đang mong mỏi", BĐ Phuong Nguyen ý kiến. Cho rằng "đã sai thì sửa", BĐ San Lê khẳng định "dẫu mất tiền tỉ hoặc hàng trăm MW điện cũng phải hồi sinh sông Ba".
BĐ Linh Dao quyết liệt: "Cần điều tra việc cấp phép các dự án thủy điện đã bức tử con sông này. Phải truy cứu từ gốc, đó là xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư và người phê duyệt dự án, việc đánh giá tác động môi trường...".
BĐ River đề nghị biện pháp trước mắt: "Nếu đúng nguyên do công trình thủy điện nắn dòng sông Ba làm hạ lưu kiệt nước, thì đơn giản là cứ mở cửa hồ chứa của thủy điện cho nước chảy về lại đúng dòng. Sông Kôn có thiếu nước hay không thì đó là chuyện khác, còn thực tế hiện nay người dân sống dọc sông Ba đang khát, phải trả lại nguồn nước cho họ".
"Sông Ba bị đập thủy điện An Khê - Ka Nak chặn lại để lấy nước từ hơn chục năm qua thì thực địa đã khác đi nhiều so với tự nhiên ban đầu. Chưa kể trên sông này còn có thủy điện Sông Ba Hạ. Để sửa chữa "sai lầm thế kỷ" như đại biểu Quốc hội nói thì chắc cần nhiều thời gian. Cẩn trọng trong chuyện sửa một sai lầm đã lâu là đúng nhưng cũng cần phải làm thật sớm vì rất bức thiết đối với cuộc sống của người dân nhiều thế hệ phụ thuộc con sông này", BĐ Khắc Luận mong mỏi.
Bình luận (0)