Sớm hoàn thành bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/04/2022 06:31 GMT+7

Nâng cao chất lượng cảnh báo, sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong ứng phó, giảm thiệt hại của thiên tai.

Quan điểm trên được Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh khi kết luận hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 diễn ra hôm qua (25.4).

Đợt mưa lũ trái mùa vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung

Nguyễn Như Khoa

“Không chờ đến khi lũ đã tập trung mới xả”

Để ứng phó hiệu quả hơn trong phòng lũ, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay trên sông Ba số trạm quan trắc còn ít. “Cần có công nghệ tính toán dự báo lũ đến các trạm quan trắc cũng như các hồ chứa từ lượng mưa đo được hoặc từ lượng mưa dự báo và điều hành xả lũ ngay, không chờ đến khi lũ đã tập trung mới điều hành xả lũ”, ông Thế nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, những tháng đầu năm 2022 thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 19 - 24.2 tại các tỉnh miền Bắc; đợt mưa lũ lớn bất thường giữa mùa khô, kèm theo giông lốc, sóng lớn từ ngày 30.3 - 2.4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa… Dự báo trong năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Bà Caitlin Wiesen, quyền điều phối viên LHQ tại VN, cho rằng VN cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để hệ thống quản lý thông tin nhanh nhạy hơn và cam kết sẽ tiếp tục giúp tăng cường năng lực quốc gia và cấp tỉnh trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ để cung cấp dữ liệu kịp thời và chất lượng trong quản lý rủi ro thiên tai ở VN.

Phát biểu kết luận, dù đánh giá cao những kết quả trong năm 2021 như số người chết, mất tích do thiên tai và thiệt hại về tài sản đều giảm sâu so với năm trước đó và là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm vừa qua, nhưng Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ rõ những tồn tại lớn.

“Đó là công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Đợt mưa lũ trái quy luật ngay trong thời gian mùa khô ở các tỉnh nam Trung bộ vừa qua, nếu chúng ta có thể dự báo, cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn, chắc chắn thiệt hại về tài sản của nhân dân đã được giảm nhẹ hơn”, Phó thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây nguyên còn bất cập. Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt. “Ngay trong mưa lũ, người dân vẫn đi đánh cá, vớt củi hay đi qua ngầm, tràn, rất dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12.2021 đều là do tai nạn, bị lũ cuốn trôi”, Phó thủ tướng nói.

Cần lực lượng chuyên nghiệp cho tình huống phức tạp

Từ đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao năng lực công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai. “Chất lượng dự báo là cơ sở để chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ và nguồn lực đầu tư lớn. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai”, ông Lê Văn Thành yêu cầu.

Thứ hai, cần kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố. Đồng thời, cần củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, từng bước xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại để ứng phó với các tình huống phức tạp.

Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Thứ năm, cần quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai bởi đó là đầu tư cho phát triển bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.