Thời tiết, thiên tai ngày càng dị thường

04/04/2022 06:52 GMT+7

Mưa lũ tràn về từ tháng 4 thay vì thường là tháng 8 trở đi, mùa đông kéo dài hơn, nhiệt độ xuống thấp hơn... Ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết bất thường , thậm chí là dị biệt.

Biển tháng 4 nhưng thời tiết như mùa mưa tháng 9

Những ngày qua, mưa lũ đổ bộ bất thường vào miền Trung gây những hậu quả nghiêm trọng về người và của khiến tất cả mọi người, kể cả ngư dân - vốn là chuyên gia về thời tiết biển - cũng không khỏi bàng hoàng. Trước đó, các cơ quan cảnh báo của T.Ư đã có chỉ đạo, cảnh báo cho các địa phương. Tuy nhiên, đối với ngư dân vẫn có yếu tố bất ngờ, bởi đã bước vào mùa khô và đang là đầu vụ đánh bắt nhưng lại nhận một đợt mưa rất lớn, gió lốc khiến người dân không kịp trở tay.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền tại các tỉnh miền Trung khiến hầu hết các nơi ngập trong biển nước. Từ Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng tới Huế, thậm chí cả Phú Yên… Thiệt hại trong đợt mưa lũ bất thường từ 31.3 - 2.4 này hết sức nặng nề.

Sạt lở đường ở xã Trà Lâm, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi)

Phạm Anh

“Quá sức dị thường” là nhận định của chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan đối với đợt mưa lũ tại miền Trung vừa rồi. Theo bà Lan, trong giai đoạn tháng 3 - đầu tháng 4, miền Trung VN chỉ có không khí lạnh là chính hoặc rãnh thấp xích đạo nằm phía dưới Trường Sa. Sau 4 tháng nắng nóng từ tháng 5, tới cuối tháng 8, từ tháng 9 trở đi thì miền Trung mới bước vào mùa mưa khi có những điều kiện hội tụ như bão, kết hợp dải hội tụ nhiệt đới, kèm theo không khí lạnh và yếu tố địa hình. “Nguyên nhân sâu xa của đợt mưa lũ dị biệt vừa rồi là do sự xuất hiện của vùng áp thấp từ phía Biển Đông, đi sâu vào đất liền tạo không khí lạnh. Áp thấp dạng xoáy rất mạnh gây mưa lớn, bão lũ vào miền Trung giai đoạn giữa mùa khô như thế này là rất hiếm hoi”, vị này nói.

Đồng quan điểm hiện tượng thời tiết như vậy là rất bất thường vào thời gian này, chuyên gia về biến đổi khí hậu - TS Nguyễn Ngọc Huy cho rằng đợt mưa lũ này không phải lũ Tiểu mãn (lũ do mưa rào vào thời kỳ tiết Tiểu mãn) đến sớm vì loại lũ Tiểu mãn thường xảy ra vào dịp 22.5 hoặc trong khoảng gần đó. Đồng thời, trong tiết khí Tiểu mãn thì không khí lạnh đi theo rãnh áp thấp đông bắc sang tây nam từ eo biển Đài Loan hoặc vùng đại lục Trung Quốc vào VN. Còn những ngày đầu của đợt mưa này lại do rãnh áp thấp đi theo hướng đông nam vào do tàn dư yếu của La-Nina gây ra. “Biển Đông vào đầu tháng 4 mà có hình thái thời tiết như mùa mưa tháng 9, tháng 10. Không loại trừ khả năng sẽ có những cơn bão sớm từ tháng 4 trên khu vực phía nam của Biển Đông”, ông Huy đánh giá và dự báo Biển Đông có khả năng hình thành bão ở khu vực quần đảo Trường Sa từ 7.4 nhưng bão sẽ đi theo quỹ đạo kỳ dị. Có thể là đi ngược về hướng Philippines.

Cụ thể, gió tây nam ở đới cao bắt đầu thổi mạnh từ 6.4 đẩy không khí lạnh từ Ấn Độ Dương đi qua đất liền phía nam và Nam Trung bộ của VN nên từ 7.4 sẽ hết mưa ở miền Trung. Tuy nhiên, khả năng cao sẽ hình thành một cơn bão ở khu vực quần đảo Trường Sa. Do ảnh hưởng của áp cao phía tây đang có xu hướng lấn át áp cao phía đông nên sẽ tạo “dòng dẫn đường” cho bão đi về phía đông thay vì phía tây như quy luật thông thường. Nếu điều này xảy ra thì bão sẽ không vào đất liền của VN mà đi về phía Philippines. Đây là sự kỳ dị của đường đi cơn bão.

Tỉnh lộ 640 (Bình Định) bị ngập nặng do mưa bất thường

Minh Lê

Học cách chung sống với thời tiết khắc nghiệt

Không chỉ đợt mưa lũ này, trong vài năm trở lại đây, VN đã liên tục ghi nhận nhiều hiện tượng thời tiết, thiên tai bất thường. Gần nhất, miền Bắc khi nhận đợt lạnh sâu và kéo dài nhất trong vòng 10 năm qua. Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, thông thường mùa đông của VN kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Từ tháng 3 mới bắt đầu mùa xuân nhưng năm nay mùa xuân đến muộn. Đến tháng 4 mới có hình thái thời tiết mùa xuân, và diễn ra ngắn. Nếu so sánh trung bình chung về nhiệt độ thì đợt lạnh của tháng 2 tại miền Bắc lạnh hơn so với trung bình chung của những năm trước 1 - 2 độ C. Đến tháng 3, thậm chí cả tháng 4 vẫn còn lạnh và nếu xét đến thời điểm đó thì độ lạnh trung bình chung thấp hơn từ 1 - 5 độ C so với độ lạnh trung bình chung của nhiều năm, trong cùng thời kỳ.

Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia giai đoạn năm 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng chỉ ra rằng trước đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra có quy luật theo mùa. Tuy nhiên những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan. Các hiện tượng thời tiết cực đoan trải khắp các miền của đất nước, trong đó điển hình là hiện tượng khô hạn, mưa cực đoan ở miền Trung; Rét đậm rét hại ở miền núi phía bắc; Hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Nam. Đơn cử, năm 2016, người dân miền Trung và miền Nam đã trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn lớn nhất trong lịch sử 90 năm vừa qua, ảnh hưởng tới hơn 50 tỉnh, TP trên cả nước, trong đó có 18 tỉnh phải thông báo tình trạng khẩn cấp.

Trong đợt nắng nóng năm 2019 ở Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiệt độ đo được có ngày lên tới 43,4 độ C, mức cao nhất trong lịch sử quan trắc của VN đến nay.

Khẳng định thiên tai bất thường, dị thường chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng và khắc nghiệt, bà Lê Thị Xuân Lan nhấn mạnh không còn cách nào khác ngoài việc chung sống với nó. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề thông tin. Nhiều cơ quan từ Chính phủ tới địa phương, truyền thông, đặc biệt là những người làm khí tượng thủy văn phải có nhiều hơn các nghiên cứu, thông tin sớm tới địa phương để có các chỉ đạo kịp thời. Địa phương cần có trách nhiệm sát sao, mở rộng phạm vi thông tin cho người dân. Đồng thời, nâng cao hiểu biết của người dân về thiên tai, biến đổi khí hậu, cách phòng tránh. Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan nói: “Không chỉ ngư dân mà với cả những người sống trên đất liền, kiến thức dự báo hoặc phòng tránh mưa bão, đối phó với những cơn lốc xoáy, mưa sét… cần phải cụ thể, phổ cập, được nhắc đi nhắc lại trong cuộc sống hằng ngày. Hiểu biết càng nhiều, mức độ thiệt hại sẽ càng giảm”.

Trung bộ, Tây nguyên tiếp tục có mưa lớn bất thường

Ngày 3.4, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo về đợt mưa lớn bất thường quay trở lại ở các tỉnh Trung bộ trong những ngày tới. Theo đó, từ sáng nay (4.4) đến ngày 6.4, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa và phía đông Tây nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất.

Cập nhật đến chiều 3.4, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, đợt mưa giông bất thường ở các tỉnh Trung bộ kéo dài từ ngày 31.3 - 2.4 đã làm 2 người chết, 1 người mất tích và 5 người bị thương. Mưa giông ở các tỉnh miền Trung đã làm sập 2 ngôi nhà, 50 ngôi nhà bị tốc mái; 262 thuyền, ghe bị chìm và 2.592 lồng bè bị thiệt hại. Mưa lũ từ Quảng Bình đến Khánh Hòa làm ngập lụt 88.055 ha lúa và 16.177 ha hoa màu...

Ngày 3.4, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) Trần Quang Hoài và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong 3 ngày (từ 31.3 - 2.4), trên địa bàn Quảng Trị đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng. Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường và có tính lịch sử, gây thiệt hại nặng nề: gần 10.500 ha lúa và hơn 3.000 ha hoa màu gãy đổ, ngập úng (riêng H.Hải Lăng có 6.370 ha lúa bị ngập, 200 ha diện tích nuôi thủy hải sản bị thiệt hại); hơn 800 hộ ở H.Triệu Phong có nhà bị ngập... UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và kinh phí khắc phục khẩn cấp hậu quả.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Phòng chống thiên tai đang đề xuất mời các nhà khoa học, chuyên gia đồng hành cùng các tỉnh miền Trung để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ vùng ngập, vùng biển; sẽ tính toán phương án chuyển đổi khu vực sản xuất lúa và mùa vụ thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay.

Đến ngày 3.4, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thống kê được 14.344 ha lúa bị đổ ngã, 778 ha lúa và 2.326 hoa màu bị ngập úng trong đợt mưa gió bất thường những ngày vừa qua. Ngoài ra, sóng to, gió lớn đã đánh chìm 77 phương tiện của ngư dân (gồm 2 ca nô, 47 thuyền đánh bắt hải sản, 26 thúng, 2 bè).

Phan Hậu - Nguyễn Phúc - Hoàng Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.