Sớm tháo gỡ bất cập trong quy định PCCC

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/04/2023 06:10 GMT+7

Chiều 10.4, tiếp tục chương trình phiên họp 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3.

Báo cáo nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhân dân, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay gần đây, cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý; trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Sớm tháo gỡ bất cập trong quy định PCCC - Ảnh 1.

Công an TP.HCM kiểm tra PCCC tại một quán karaoke vào tháng 9.2022

Xuân Khánh

"Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), quy định về điều kiện đảm bảo PCCC chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho DN. Nhiều DN đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về PCCC", ông Bình nhấn mạnh.

Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về PCCC; tháo gỡ các bất cập trong quy định về PCCC để tạo điều kiện cho các DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về PCCC đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho DN.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình với phản ánh của Ban Dân nguyện, vì cho rằng sau thời kỳ Covid-19, DN rất khó khăn thì nay lại gặp phải các khó khăn trong quy định về tiêu chuẩn PCCC. DN nói sẵn sàng làm theo nhưng không biết thực hiện như thế nào, làm bằng vật liệu gì để đáp ứng các yêu cầu PCCC. Vì vậy, ông Thanh đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng PCCC có cách nào đó hướng dẫn DN thực hiện các yêu cầu về PCCC được khả thi.

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết Bộ Công an xin tiếp thu các kiến nghị của Ban Dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về PCCC, tháo gỡ các bất cập trong quy định về PCCC. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cần nâng cao trách nhiệm của các DN trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định PCCC.

"Nếu chúng ta hạ mức các tiêu chuẩn về PCCC thì hậu quả là rất lớn, liên quan tính mạng và tài sản của người dân", ông Hùng phân tích và cho biết Bộ Công an sẽ tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất để điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng các quy định siết chặt điều kiện kinh doanh, nhất là về PCCC, phải có các quy định chuyển tiếp. "Thủ tướng nói không điều hành giật cục, các hướng dẫn cần rõ hơn để tránh tình trạng thấy vi phạm là cấm, gây khó khăn cho DN, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH", ông Phương cho biết.

Chi tiền tỉ sửa chữa nhưng chưa được mở cửa, chủ quán karaoke TP.HCM 'kêu cứu'

Triệt phá 6 nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng công ty tài chính

Liên quan phản ánh của cử tri về các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông và đòi nợ thuê trái pháp luật, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết Bộ Công an đã phá 2 vụ án điển hình với thủ đoạn mới tinh vi, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, trật tự.

Cụ thể, vụ án thứ nhất là cưỡng đoạt tài sản liên quan Công ty luật TNHH Pháp Việt có trụ sở tại TP.HCM. Đây là hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, quy trình chặt chẽ. Các đối tượng đòi nợ theo nhiều cấp độ, từ việc gọi điện chửi bới, đe dọa giết người thân, đăng hình ảnh bôi nhọ cho tới việc mang quan tài đến cơ quan, tổ chức để đe dọa, đặt bình gas, đặt xăng chở đến cơ quan, nhà trường nơi có con cái của người vay đang theo học để uy hiếp tinh thần. Qua điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 54 bị can, trong đó có 2 phó giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt, 20 trưởng phòng, 1 thư ký và 31 nhân viên.

Vụ án thứ 2 là từ tháng 11.2022 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.HCM phối hợp công an các địa phương triệt phá 6 nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính như: Công ty TNHH MTV Mirae Asset, Công ty Luật TNHH Power Law chi nhánh TP.HCM, Công ty TNHH MTV Tiếng nói hay, Công ty CP Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ, Công ty CP đầu tư kinh doanh F88. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.