Như Thanh Niên đã thông tin, mới đây, Sở Y tế TP.HCM có cuộc họp giao ban y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn TP. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN.
Sắp đến người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ hằng năm |
Duy Tính |
Tại cuộc họp, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết giai đoạn 2023 và những năm tiếp theo TP thực hiện khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người dân với 4 nhóm chính: nhóm trẻ chưa đi học; nhóm trẻ mầm non, phổ thông (từ 3 - 18 tuổi); nhóm người lao động (từ 18 đến dưới 60 tuổi) và nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Năm 2023 ưu tiên khám cho nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Mục đích là đảm bảo mỗi người dân TP đều được khám sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Từ đó xác định được mô hình bệnh tật, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Tại cuộc giao ban, đại diện WHO tại VN nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện và quản lý người mắc bệnh không lây nhiễm. Bởi đây là bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm 71% (VN 77%), đứng đầu là tim mạch.
Sức khỏe là số 1
“Tốt quá rồi, như vậy là sẽ có thêm nhiều người được khám sức khỏe định kỳ. Tôi ủng hộ hai tay hoạt động đầy tính nhân văn này của TP.HCM. Bên cạnh việc tổ chức khám sức khỏe, đề nghị TP.HCM cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu được sự cần thiết của việc khám sức khỏe này, đó là nhằm chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phát hiện sớm bệnh để điều trị hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng sống của mọi người…”, bạn đọc (BĐ) Thanh Tam vui vẻ cho biết.
Cùng ý kiến, BĐ Y.Minh nói thêm: “Nhiều người còn rất thờ ơ với sức khỏe bản thân, nghe nói khám sức khỏe thì lắc đầu, nghe tới bảo hiểm y tế (BHYT) thì coi thường, đến lúc bệnh phát sinh thì cuống cuồng, tiếc nuối “giá mà…”. Rất mong mọi người hiểu được “Sức khỏe là số 1”, để chăm lo sức khỏe cho mình và cho người khác. Có tiền, có việc làm, có đủ thứ nhưng thiếu sức khỏe thì cũng không làm được gì!”.
BĐ lehungxx@gmail.com cho biết: “Nhiều nước trên thế giới đã có chương trình chăm sóc sức khỏe và khám bệnh định kỳ cho người dân miễn phí từ lâu rồi”. BĐ itaxxxx@gmai.com cho biết: “Hồi xưa đi khám sức khỏe định kỳ, bệnh viện luôn từ chối BHYT khi khám loại hình này. Trong khi khám định kỳ sẽ đỡ tốn quỹ BHYT khi phát hiện bệnh và còn giúp ngăn ngừa kịp thời. Giờ mới tổ chức khám sức khỏe định kỳ là hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không”.
Quan trọng là chất lượng khám chữa bệnh
Đây là điều nhiều BĐ mong muốn nhất khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ. BĐ Văn Từ kể: “Có lần tôi đi khám sức khỏe ở một bệnh viện quận để bổ sung hồ sơ xin việc làm. Cứ tưởng phải mất cả buổi mới xong, ai ngờ “nhanh như tên lửa”. Có lẽ nhìn tướng tá của tôi, cũng như biết mục đích là nộp hồ sơ xin việc, nên mọi chuyện diễn ra hết sức nhanh chóng. Có bác sĩ chẳng buồn nhìn tôi, chỉ hỏi vài câu là “xong”. Tuy rằng tôi rất muốn nhanh, muốn sức khỏe mình tốt để còn xin được việc làm, nhưng việc khám quá nhanh, sức khỏe “bình thường (như trong giấy ghi)”, lại khiến tôi thấy thế nào. Mong là việc khám định kỳ này sẽ làm kỹ”.
“Điều quan trọng là chất lượng khám sức khỏe như thế nào. Chứ miễn phí mà khám qua loa, cái gì cũng ghi “BT” - người khám thắc mắc thì được giải thích là “bình thường”, mà khi phát ra bệnh thì “bó tay” thì cũng như không. Rất mong không khám thì thôi, còn khám thì nghiêm túc, có vậy mới thực sự là chăm lo sức khỏe”, BĐ Báu nhấn mạnh.
Một số BĐ khác cũng bày tỏ mong muốn việc khám sức khỏe định kỳ này không phải là “chạy theo thành tích”, mà làm nghiêm túc, vì “lương y như từ mẫu”.
* Cơ quan tôi cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ mỗi năm. Lúc đầu một số người coi thường, không đi. Sau thấy mấy đồng nghiệp mình nhờ khám mà phát hiện bệnh sớm, nhờ đó chữa trị kịp thời, giờ ai cũng đều đi khám sức khỏe định kỳ.
Long
* Xin hỏi: Không có BHYT thì có được khám sức khỏe định kỳ không?
Hoài
Bình luận (0)