'Sơn đỏ đi ngược với tinh thần thẩm mỹ của điêu khắc dân gian'

23/02/2020 13:15 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên , nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (nhóm hoạt động, nghiên cứu văn hóa Đình làng Việt) cho rằng việc sơn đỏ di tích rất nguy hiểm khi đi ngược với tinh thần thẩm mỹ của điêu khắc dân gian.

Gần đây có nhiều di tích bỗng nhiên bị sơn đỏ vàng và trở nên rất kỳ lạ. Là người đi điền dã nhiều di tích và nghiên cứu mỹ thuật, ông đánh giá điều này ra sao?
Là người nghiên cứu mỹ thuật, nghiên cứu giá trị thẩm mỹ của các di sản, chúng tôi rất quan tâm đến bề mặt điêu khắc, kiến trúc. Khoảng 15 năm nay, khi quay lại nhiều di tích từng đến, tôi thấy chúng bị sơn phủ làm biến dạng bề mặt. Điều này khiến cho công tác nghiên cứu gặp khó khăn. Nghiêm trọng hơn là giá trị của di sản mỹ thuật không còn nữa như: nghi môn nội đền Vua Đinh (Ninh Bình); đền Gióng, đình Phú Mỹ, đình Kim Quan (Hà Nội); đình Văn Xá (Hà Nam) và mới đây là đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình).
Theo tư liệu của Viện Bảo tồn di tích, nhìn chung trước đây các cụ không sơn hết cả bộ khung gỗ mà chỉ sơn có chọn lọc thôi. Ông nghĩ sao khi có hiện tượng sơn đỏ toàn bộ khung gỗ trong di tích?
Hiện tượng sơn toàn bộ di tích đang trở thành một trào lưu. Nó xuất phát từ mong muốn công đức, ghi danh, làm đẹp của xã hội. Tuy là nhu cầu chính đáng, song việc sơn di tích lại mang tính tự phát, thiếu kiểm soát. Nghiêm trọng hơn có di tích còn có sự tham gia, chỉ đạo của cán bộ quản lý di tích.
Chúng tôi đi điền dã rất nhiều di tích, đặc biệt là tiếp cận với đình làng có niên đại thế kỷ 16, 17, 18, đây là những ngôi đình rất có giá trị. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy việc sơn son thếp vàng ở một số di tích chỉ thực hiện vào những năm sau này. Nhân dân chỉ sơn tập trung ở gian giữa, họ sử dụng chất liệu sơn ta. Còn các mảng chạm hai bên kiến trúc phần lớn được để mộc hoặc các cụ tô màu. Đến nay các lớp tô màu hầu như đã bay màu. Việc sơn toàn bộ kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc có chạm khắc trang trí (chạm lộng, bong kênh) là một hành động đi ngược với tinh thần thẩm mỹ của điêu khắc dân gian, đặc biệt là kiến trúc đình làng.
Nhiều chạm khắc trang trí trên kiến trúc dân gian bằng gỗ chỉ phát huy giá trị khi được để mộc. Khi đó, các chi tiết chạm khắc trên hoa văn, linh vật mới bộc lộ vẻ tinh tế tài hoa của người thợ. Nay sơn thếp đậm đặc, sặc sỡ như thế thì tất cả giá trị của di sản này hoàn toàn biến mất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.