Sơn Hòa: Phát huy nguồn lực cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân

21/06/2024 11:02 GMT+7

Với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về đời sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng đồng bằng, H.Sơn Hòa (Phú Yên) luôn nỗ lực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện.

Trong đó, H.Sơn Hòa đặc biệt quan tâm đến các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, hướng đến giảm nghèo nhanh, bền vững.

Sơn Hòa: Phát huy nguồn lực cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân- Ảnh 1.

Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa

Phát huy hiệu quả các nguồn vốn

Sơn Hòa là huyện có khoảng 38% người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với 7 xã đặc biệt khó khăn, điều kiện sống của người dân còn rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả tỉnh. Nhận thức được điều đó, Huyện ủy, UBND huyện luôn nỗ lực tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư về kết cấu hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Cụ thể, trong 3 năm 2022 - 2024, H.Sơn Hòa được phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) với tổng kinh phí 244,5 tỉ đồng. Trong đó, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) là 38,1 tỉ đồng; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 10,8 tỉ đồng; chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS - miền núi (Chương trình 1719) là 195,4 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn địa phương đối ứng cho các chương trình trong 3 năm là 50,4 tỉ đồng.

Từ các nguồn vốn này, H.Sơn Hòa đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu để từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi. Tiêu biểu, từ nguồn vốn tiểu dự án 1, dự án 4, Chương trình 1719, trong 2 năm 2022 - 2023, H.Sơn Hòa đã đầu tư 71 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS; trong đó có 39 công trình giao thông, 5 công trình nhà văn hóa, 17 công trình thủy lợi, 13 công trình trường học...

Sơn Hòa: Phát huy nguồn lực cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân- Ảnh 2.

Từ dự án 2 Chương trình 1719, địa phương đã đầu tư 6 công trình hạ tầng kỹ thuật; khoan mới 2 giếng nước, lắp đặt máy bơm nước, bể chứa nước tập trung tại xã Phước Tân; làm kè chống xói lở khu giãn dân, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt cho xã Suối Trai; thi công hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư tại xã Cà Lúi, Sơn Phước… Từ đó, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn đều được đầu tư, hoàn thiện về cơ bản các điều kiện hạ tầng thiết yếu, đảm bảo về cơ bản điều kiện sống cho người dân miền núi.

Hiện nay, địa phương đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh công tác giải ngân các nguồn vốn.

Thay đổi toàn diện

Các chương trình MTQG đang được triển khai trên địa bàn H.Sơn Hòa đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện.

Cụ thể, với chương trình MTQG xây dựng NTM đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc. Đường làng, ngõ xóm đều được đầu tư thông thoáng, sáng, xanh, sạch, đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên… đến tháng 3.2024, toàn huyện đạt 169 tiêu chí, tăng 14 tiêu chí so với quý 1/2023; bình quân đạt 13 tiêu chí/xã.

Sơn Hòa: Phát huy nguồn lực cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân- Ảnh 3.

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người dân bản địa

Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, các hộ thuộc diện giảm nghèo được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, được hỗ trợ cây giống, con giống, vật tư liên quan và nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. Nhìn chung, các hoạt động của chương trình phát huy được tính dân chủ trong quá trình thực hiện và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.181 hộ nghèo, tỷ lệ 13,01%, giảm 1,48%.

Đặc biệt, chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả toàn diện, giúp đời sống kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn thay đổi rõ nét. Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về cơ sở vật chất, đời sống dân sinh, tạo điều kiện để nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa vươn lên phát triển về mọi mặt.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.