Sống bấp bênh trên đê biển

21/02/2013 10:15 GMT+7

Thôn Hải Tiến (TT.Thuận An, H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có một con đê chạy dọc bờ biển được xây từ thời Pháp thuộc - hiện đã bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng.

Thôn Hải Tiến (TT.Thuận An, H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có một con đê chạy dọc bờ biển được xây từ thời Pháp thuộc - hiện đã bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng.

Thôn Hải Tiến nằm gần cửa biển thuận An quanh năm phải chống chọi với thiên tai, bão lũ, cuộc sống của người dân ở đây vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn. Hiện toàn thôn có gần 50 hộ đang làm nhà và định cư ngay trên con đập chắn sóng này. Trước đây phần lớn những hộ dân này sống lênh đênh trên các ghe, thuyền. Sau họ lên bờ nhưng không có đất nên đành lên đập đá làm nhà bất chấp sự nguy hiểm của những cơn thủy triều và các trận bão lũ quanh năm.

 Sống bấp bênh trên đê biển
Những căn nhà ven đê chắn sóng đối mặt với nguy hiểm, nhất là mùa mưa bão - Ảnh: N.T

Có nhiều hộ gia đình sống trên đập đá này đã hai, ba thế hệ. Cuộc sống khó khăn đủ bề, luôn phải sống trong cảnh lo sợ khi mùa bão lũ kéo về. Năm 1999 có lẽ là năm bi thương với người dân nơi đây, khi cơn đại hồng thủy đã cuốn phăng đi 13 ngôi nhà trên đập đá. Chị Trần Thị Hòa lấy chồng về thôn Hải Tiến đã gần chục năm nay, do điều kiện khó khăn bởi trước đây sống trên ghe nay đây mai đó không ổn định, phải làm nhà ở trên đập đá này. Căn nhà của chị làm tạm bợ, lụp xụp, nằm lay lắt bên đập đá, hàng ngày chống chọi với những cơn gió mạnh thổi từ ngoài biển vào. Chị Hòa thở dài “Sống ở đây khổ lắm, cứ bão vô là nhà cửa không còn một cái gì nữa. Cuộc sống cứ mãi quanh quẩn trong cảnh nghèo đói.”

Hoàn cảnh đáng thương của cụ bà Trần Thị Sớm (68 tuổi) lại khó khăn hơn. Không có con, chồng bị mất vì bệnh ung thư cách đây 30 năm, từ đó cụ sống một mình trong căn chòi  rách nát trên con đập chắn sóng này. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều không có sổ đỏ hay bất kỳ một loại giấy tờ gì. Không chỉ lo chống chọi với những cơn sóng giận dữ của thiên nhiên, họ còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, ô nhiễm, dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: “Ngân sách thì có hạn, đất đai thiếu nên việc tái định cư cho các hộ dân sống trên đập đá là hết sức khó khăn. Cần phải có sự hỗ trợ rất lớn từ cấp trên mới có thể tổ chức tái định cư cho những người dân sống ở đây được!”. 

Nguyễn Thông

>> Đưa vào sử dụng công trình kè đê biển Hiệp Thạnh
>> Hơn 8.400 tỉ đồng gia cố đê biển
>> Nghiên cứu xây dựng đê biển vịnh Rạch Giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.