Hàng chục hộ dân ở xã miền núi Lượng Minh (H.Tương Dương, Nghệ An) đang sống bất an trong những ngôi nhà nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Nguy cơ sạt lở đất thường xuyên đe dọa cuộc sống nhiều hộ dân tại Khu tái định cư đồi K1 - Ảnh: K.Hoan |
Năm 2012, núi Pu Căm, nơi sinh sống của 38 hộ dân bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh) đã bất ngờ nứt toác làm đôi. Vết nứt chạy dài từ đỉnh xuống chân núi, rộng đến 1 m, đã đe dọa hơn 300 con người sinh sống dưới chân núi này. Đến nay, sau 3 năm thực hiện việc di dân khỏi vùng nguy hiểm với kinh phí hàng chục tỉ đồng, các hộ dân đã được di chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, khu tái định cư nằm trên khu vực khá dốc nên người dân vẫn lo lắng, thấp thỏm.
Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, năm 2013, dự án tái định cư chọn khu vực Piềng Co Phương nằm ở bản Lạ. Tuy nhiên, san lấp mặt bằng gần xong thì phát hiện khu vực này không an toàn, UBND huyện đã quyết định chuyển khu tái định cư đến địa điểm khác thuộc đồi K1 cùng bản. Do địa hình của xã toàn núi cao, dốc đứng nên mặc dù đây được xác định là địa điểm tốt nhất nhưng khu vực này vẫnchưa phải là nơi an toàn.
11 hộ dân ở bên kia sông Nậm Nơn, đối diện khu tái định cư đồi K1 cũng đang phải sinh sống trong khu vực có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. “Đợt mưa giữa tháng 9 vừa rồi, đất ở dưới nền nhà tôi bị sạt lở từng mảng lớn, suýt sập nhà. Bây giờ cứ mưa to là cả nhà phải đi ở nhờ vì ở trong nhà sợ nhà sập”, anh Lô Văn Tuân, ở bản Lạ nói.
Tại bản Cà Moong (xã Lượng Minh) nằm biệt lập trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, 22 hộ dân cũng đang sống dưới “quả bom” đất đá. Ông Vi Đình Phúc cho biết, đợt mưa vừa qua chưa phải là mưa to gây lũ lớn nhưng đất đá từ trên núi đã bất ngờ ồ ạt tràn xuống vùi lấp 7 nhà dân, có nhà bị lấp đến gần mái. May mắn là đất lở vào ban ngày nên người dân đã kịp chạy khỏi nhà nên không có thiệt hại về người.
Theo ông Phúc, năm 2013, UBND huyện cho mở con đường mới lên bản khiến dòng chảy của con suối từ đỉnh chảy xuống chân núi bị thay đổi và đổ thẳng vào khu vực nhà dân. “Sau khi 7 ngôi nhà bị vùi lấp, bà con đã phải tự đi chuyển đến nơi khác làm nhà ở. UBND huyện đã cho người lên nắn lại dòng chảy của suối nhưng phương án này chỉ tạm thời thôi chứ không có hiệu quả sau ít trận mưa nữa”, ông Phúc nói.
Ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Tương Dương cho biết, trên địa bàn huyện này hiện còn nhiều điểm dân cư nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất. Tuy nhiên, do kinh phí khó khăn nên việc di dời dân ra khỏi vùng sạt lở rất khó thực hiện. Các biện pháp trước mắt để hạn chế hậu quả của sạt lở, như cảnh báo cho người dân sẵn sàng sơ tán, nhất là khi có mưa lũ... chỉ là tình thế, còn phương án di dời nhà dân đến nơi an toàn thì chưa thể có kinh phí để thực hiện.
Bình luận (0)