Sống chật chội nhưng dân phố cổ Hà Nội không muốn rời đi

02/08/2013 18:19 GMT+7

(TNO) Trước thông tin về dự án đầu tư hơn 4.900 tỉ để giãn dân phố cổ, nhiều người dân vẫn tỏ ý muốn bám trụ phố cổ, dù phải sống chen chúc đến đâu chăng nữa.

(TNO) Trước quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc đầu tư dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, Q.Long Biên, nhiều người dân vẫn tỏ ý muốn bám trụ phố cổ, dù phải sống chen chúc đến đâu chăng nữa.

>> Khó di dân phố cổ nếu chờ tự nguyện
>> “Mượn” dự án giãn dân phố cổ để lừa đảo
>> Hà Nội sau 5 năm mở rộng
>> 5 năm mở rộng thủ đô: Hà Nội 'được' nhiều hơn 'mất

Chúng tôi phải dùng đèn pin để đi xuyên vào con ngõ bề rộng chỉ khoảng 60 cm nhưng dài đến 20 m ở số 27 Hàng Khoai. Trái ngược với vẻ ngoài hào nhoáng của những cửa hàng phía mặt tiền, trong con ngõ này là hàng chục căn nhà lô nhô, cái rộng cái hẹp, cái cũ cái mới.

Chị Nguyễn Thị Thủy (49 tuổi, quê Bắc Ninh) dẫn chúng tôi vào nhà. Vợ chồng chị và đứa con đang học lớp 12 ở đây đã 20 năm qua.

Căn phòng rộng 10 m2, dường như chẳng có ánh sáng mặt trời lọt vào. Mắm muối, bếp than tổ ong... để ngoài lối đi. Con chị Thủy không có bàn học, mọi sách vở được chất lên hết một cái giá đóng trên tường. Cái quạt cũ mèm quay sòng sọc ở góc nhà suốt ngày để cố xua đi đủ thứ mùi mắm muối từ các nhà ngoài phố tạt vào.


Tầng 1 của số nhà 44 Hàng Buồm là các hộ gia đình kinh doanh hải sản cũng chật chội vô cùng - Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu


Với những người dân đang sinh sống và buôn bán thuận lợi tại phố cổ Hà Nội, họ chấp nhận sống chật chội còn hơn giãn dân đến nơi ở mới - Ảnh: Thúy Hằng


Sống ở phố cổ Hà Nội, với vỉa hè rộng chưa đầy 5 m2, cô Phạm Thị Tuyết, số nhà 39 Hàng Vải, cũng có thể kinh doanh nước mía, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình - Ảnh: Thúy Hằng

“Sống trong cái chuồng chim này khổ không tả nổi, gia đình chỉ dám sinh 1 đứa con vì không có chỗ nằm”, chị Thủy cho hay. Thế nhưng theo chị Thủy, nếu phải di dời, chị cũng không biết sẽ phải sống bằng nghề gì ở chỗ ở mới.

“Ở đây chồng tôi có chỗ bốc vác ở chợ Đồng Xuân. Tôi đi rửa bát cho quán ăn, buổi tối pha nước chanh mang ra chợ đêm bán kiếm thêm hoặc đi nhặt thêm nilon, chai lọ ở phố”, chị Thủy nói.

Rời Hàng Khoai, chúng tôi tìm đến ngõ 73 phố Hàng Gai. Người dân ở đây cũng băn khoăn về kế sinh nhai ở khu đô thị Việt Hưng, nếu phải chuyển đi.

Trong con ngõ này, vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Phượng (40 tuổi), hai đứa con, và bố mẹ trên 70 tuổi, sống trong 2 căn phòng (mỗi phòng rộng chừng 5 m2) nối với nhau bằng mấy thanh sắt gắn vào tường làm bậc thang.

“Hai đứa con nằm ngủ với ông bà, hai vợ chồng có 5 m2, đi làm bên ngoài cả ngày rồi nhưng tối về đến nhà thấy quần áo, chăn chiếu, xoong chảo treo khắp nhà cũng thấy ngột ngạt”, chị Phượng than thở.

Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải di dời khỏi khu phố này, với vợ chồng chị Phượng cũng là một thách thức đáng sợ.

“Chồng tôi chạy xe ôm. Tôi bán hàng nước ngoài đầu ngõ. Khách du lịch qua đây nườm nượp. Chưa kể đến cuối tuần còn bán hàng chợ đêm. Sang khu di dân kia, tít bên Gia Lâm, chả nhẽ chúng tôi đi bán rau?”, chị Phượng nói.

Chị Phượng kể thêm, cùng ở dãy phố Hàng Gai, trong ngõ 117, còn có một đại gia đình với 20 người nhưng diện tích ở chỉ trong hai “căn phòng” chồng lên nhau vỏn vẹn có 8 m2.  Thế nhưng không ai muốn dời đến khu đô thị mới vì ở đây, họ mới có thể sống bằng nghề bán hàng quần áo, nước ngọt... ở chợ đêm.

“Tôi hỏi đêm ngủ thì như thế nào. Họ bảo ngủ thì xếp như xếp cá. Xoay ngang xoay dọc đủ kiểu và cấm không được cựa quậy. Chật quá cũng sinh ra lắm chuyện cãi vã. Họ đánh chửi nhau chí chóe suốt ngày”, chị Phượng kể.

Ngày 1.8, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định đầu tư dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, Q.Long Biên.

Theo đó, mục tiêu của dự án là xây dựng khu nhà ở với quy mô 16 tòa nhà cao 8 - 9 tầng cùng với hạ tầng xã hội - kỹ thuật phục vụ cho dự án. Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án dự kiến 4.902 tỉ đồng, từ nguồn vốn giãn dân phố cổ đã được phê duyệt từ tháng 1.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án sẽ từ 2014 - 2017, riêng trong năm 2013, các bên liên quan phải hoàn tất quá trình chuẩn bị đầu tư.

Trước mắt thành phố sẽ di dời các hộ dân đang sống trong các di tích đình, đền, chùa, trường học, nhà nguy hiểm, nơi có mật độ dân số cao, các hộ sống trong các số nhà cổ được bảo tồn nguyên trạng và những hộ dân tự nguyện di chuyển.

Thúy Hằng

>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 1: Nhật ký một đêm phố cổ
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 2: Sống trong “địa đạo”
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 3: Ngõ siêu nhỏ
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 4: Nhà không đứng được
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 5: Cả gia đình trong 3m2
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 6: Bên trong những “hộp diêm” khác
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 7: Nét thanh lịch trong “phố khổ”
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ cuối: Nhà vườn độc nhất ở phố cổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.