“Bảo bối” tiêu thụ vải thiều
Dịch Covid-19 nổ ra ở Bắc Giang từ đầu tháng 5 nhưng cuối tháng đến hẹn giao hàng đối tác Nhật Bản khiến bà Đỗ Linh Nhâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (H.Lục Ngạn, Bắc Giang) như ngồi trên đống lửa. Theo bà Nhâm, lo lắng đầu tiên là khó vận chuyển nguyên liệu về nhà máy; nếu không kiểm soát tốt rất có thể công nhân nhiễm dịch, phải đóng cửa nhà máy, không thể giao hàng theo hợp đồng.
Trong lúc khó khăn nhất, doanh nghiệp nhận được sự đồng hành tích cực từ Sở NN-PTNT, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, trực tiếp là UBND H.Lục Ngạn. Các xe chở hàng, đi họp, đi vùng nguyên liệu được cấp giấy đi đường qua chốt kiểm soát nên việc thu mua vải diễn ra bình thường.
Toàn Cầu đang thu mua nông sản ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Sơn La, bà Nhâm phải di chuyển nhiều nên có điều kiện so sánh: “Bây giờ mỗi tỉnh quy định giấy đi đường, xét nghiệm một kiểu. Nhiều cung đường vướng chốt kiểm dịch nên thời gian đi lại gấp đôi so với trước đây. “Đây chính là điểm nghẽn khiến chuỗi thu mua vận chuyển bị “vỡ” khiến nông sản dồn ứ”, bà Nhâm nói.
Nhớ lại những ngày tháng lo tiêu thụ vải thiều, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho biết sản lượng vải của tỉnh đạt trên 215.000 tấn, năng suất lớn nhất chưa từng có trong vài chục năm trở lại đây. Mùa thu hoạch vỏn vẹn 2 tháng, Bắc Giang là tâm dịch Covid-19 nóng bỏng nhất cả nước nên áp lực “bán vải” rất căng thẳng.
|
Để người tiêu dùng yên tâm, Bắc Giang triển khai di chuyển toàn bộ người là F0, F1 khỏi các vùng trồng vải. Sau đó, các địa phương tổ chức vận động người dân lập các chốt kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào. Giải pháp cuối cùng là xây dựng hồ sơ luồng xanh an toàn cho vải thiều trong điều kiện Bắc Giang là tâm dịch Covid-19.
Theo ông Trần Quang Tấn, để hồ sơ luồng xanh an toàn, điểm mấu chốt là người thu hoạch, đóng gói, lái xe vận chuyển… phải được xét nghiệm Covid-19. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Y tế, Công an tỉnh Bắc Giang và địa phương vùng trồng vải thực hiện quy trình thủ tục xác nhận “vải thiều an toàn không Covid-19”.
“Bây giờ nhìn lại, chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, hồ sơ luồng xanh an toàn cho vải thiều này khi đó như là “bảo bối”, tấm giấy thông hành giúp xe chở vải thiều từ Bắc Giang chạy băng băng lên cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai hoặc vươn đến khắp chợ đầu mối từ bắc vào nam mà gần như không có bị tắc nghẽn ở điểm nào”, ông Tấn nói.
Vừa kiểm soát dịch vừa khôi phục sản xuất
Theo ông Trần Quang Tấn, ngay trong dịch Covid-19, kinh nghiệm thành công của vải thiều được áp dụng để tiêu thụ thành công khoảng 20.000 tấn dứa, 18.000 tấn dưa hấu, 25.000 tấn rau xanh. Hiện nay, Bắc Giang vẫn áp dụng cách làm đối với vải thiều để tiêu thụ thuận lợi nhiều loại trái cây có số lượng lớn như nhãn khoảng 20.000; na 15.000 tấn; cam 46.000 tấn; bưởi 36.000 tấn… không có tình trạng nông sản bị dồn ứ hay mất giá.
PGS-TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng dịch Covid-19 chỉ lây giữa người và người, chứ không lây qua hàng với hàng. Nhưng quy định kiểm soát dịch Covid-19 theo các chốt luồng xanh hiện nay có bất cập là sai đối tượng kiểm soát. “Chúng ta kiểm dịch trên người nhưng tác động lớn nhất là hàng hóa gặp khó trong vận chuyển, lưu thông đình trệ khiến nhiều nông sản đến kỳ thu hoạch không có đầu ra và khó vận chuyển dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng từ sản xuất ra thị trường.
Theo PGS-TS Tạ Văn Lợi, qua kinh nghiệm của các nước Mỹ, châu Âu, dịch kiểm soát đến đâu thì nới lỏng, khôi phục hoạt động kinh tế đến đấy. Nếu đóng băng các hoạt động kinh tế khi thời gian giãn cách xã hội liên tục kéo dài thì nền kinh tế tổn thất rất lớn. Để khôi phục lại các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong dịch Covid-19, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có nghiên cứu và kiến nghị gửi Chính phủ và các Bộ, ngành thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng “tuyến đường xanh” tạo cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính mà không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra tại các chốt kiểm soát phòng dịch.
|
Phương tiện trên “tuyến đường xanh” có thể nhận diện ra bằng các phương pháp tự động. Đặc biệt, lái xe trên “tuyến đường xanh” phải được quản lý chặt chẽ, với điều kiện đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ. Lái xe không được đỗ, dừng phương tiện và xuống hàng tùy tiện dọc đường mà quy định rõ điểm được dừng, nghỉ trên cung đường đi, về. Ở các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe. “Tuyến đường xanh” cho phép lái xe thoải mái chở hàng ra bắc vào nam nhưng vẫn bị quản lý và kiểm soát chặt chẽ và dễ dàng truy vết khoanh vùng dịch nếu như chẳng may có lái xe nhiễm Covid-19”, ông Lợi nói.
Theo PGS-TS Tạ Văn Lợi, để từng bước phục hồi sản xuất, cần cho phép các doanh nghiệp được sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường. Đặc biệt là các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư.
"Các nước châu Âu, Mỹ khi mở cửa lại nền kinh tế họ cũng dựa vào lực lượng lao động đã được tiêm đủ 2 mũi tiêm vắc xin và đây là nhân tố quyết định để vực dậy nền kinh tế. Trong khi ở Việt Nam, người tiêm đủ vắc xin nhưng không được đi làm là một sự lãng phí nguồn lực rất lớn”, ông Lợi nói.
Đề xuất lập vùng đệm hạ tải, luân chuyển hàngTheo PGS-TS Tạ Văn Lợi, thực tế ở Hải Phòng áp dụng trung chuyển hàng đưa xuất khẩu; mô hình lái xe (được xét nghiệm Covid-19, đã tiêm vắc xin) trung chuyển xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ở các cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh đã chứng minh hiệu quả kiểm dịch được Trung Quốc chấp nhận. Nhưng đây chỉ là một phần của trung tâm phân phối và chỉ phục vụ cho luồng hàng hóa xuất khẩu. Để sản xuất thích ứng trong điều kiện dịch Covid-19, theo cách xây dựng chuỗi ở nhiều nước trên thế giới, mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là trung tâm phân phối hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương với các mức khác nhau. “Chúng tôi đề xuất lập các vùng đệm hạ tải theo 3 mức xe trên 10 tấn thì hạ tải, chuyển hàng ở trạm trung chuyển đặt tại đầu tỉnh, thành phố; xe dưới 10 tấn thì đến các điểm cấp huyện, thành phố; xe nhỏ một vài tấn thì đến các điểm xã, phường để lưu thông hàng hóa thông suốt”, ông Lợi nói. |
Bình luận (0)