Sống chung với ngập ở TP.HCM: Cả xóm đồng lòng nâng nền nhà 1-4 lần, cao hơn đường… cả mét

28/05/2024 13:33 GMT+7

Các hộ dân sống trong hẻm 719, đường Huỳnh Tấn Phát (P.Phú Thuận, Q.7) đều có ít nhất một lần nâng nền nhà. Có nhà nâng nền đến 4 lần, cao hơn mặt đường cả mét mới thoát cảnh ngập nước do triều cường, mưa lớn.

4 lần nâng nền nhà

Chiều cuối tháng 5, sau những cơn mưa lớn đầu mùa, PV Thanh Niên đến hẻm 719 trên đường Huỳnh Tấn Phát. Vừa quẹo vào hẻm đã thấy có gờ cao hơn so với mặt đường, càng tiến sâu vào trong lại càng trũng. Dễ dàng nhìn thấy ở 2 bên, các nhà dân đều đã nâng nền lên cao hơn so với mặt đường khoảng 1m. 

Thấy người lạ đến hỏi thăm, thắc mắc về điều này, người dân ở Hẻm này chẳng ngại ngần khuyên: "Nếu có ý định mua nhà ở đây thì bỏ nha, ngập dữ lắm"!

Hẻm 719 này rộng khoảng 5 m, có hệ thống thoát nước kết nối với đường Huỳnh Tấn Phát. Tuyến đường này thấp nên có tình trạng ngập do triều cường nhiều năm nay. Theo quan sát và trải nghiệm của những người dân sống ở đây hơn 20 năm, họ cho biết tình trạng ngập mỗi năm lại càng nghiêm trọng hơn, nước ngập ngâm lâu, chậm rút hơn ngày xưa.

"Đầu hẻm được xây gờ cao để ngăn nước từ đường Huỳnh Tấn Phát tràn vào mỗi lần có triều cường, mưa lớn. Tình trạng ngập nặng thường rơi vào tháng 9, 10 hằng năm", bà Hồ Phước (57 tuổi), người dân sống trong hẻm này chia sẻ.

Sống chung với ngập ở TP.HCM: Cả xóm đồng lòng nâng nền nhà 1-4 lần, cao hơn đường… cả mét- Ảnh 1.

Nhà nhà tại hẻm 719 đồng loạt nâng nền.

Phan Diệp

Nỗi khổ ở hẻm không cống thoát nước: Ngập như cơm bữa, 'hứng' trọn rác sau mưa

Để chuẩn bị đối phó với "đỉnh ngập" như mọi năm, mấy tháng trước bà Phước quyết định đập bỏ căn nhà cũ để xây mới. Đến con hẻm này sống hơn 20 năm, bà Phước không nhớ cụ thể đã bao nhiêu lần phải nâng nền nhà để chống ngập.

"Mỗi lần nâng nền thì phải nâng phần mái nhà lên. Nhà ngày xưa xây mới cũng đẹp nhưng sửa riết thành xấu, chắp vá. Sau khi xây mới, giờ nền nhà tôi đã cao hơn mặt đường hẻm hơn 1 m rồi", bà Phước kể. Bà hy vọng với nỗ lực của mình, năm nay sẽ thoát cảnh nước tràn vào nhà.

Cách nhà bà Phước vài trăm mét, nhà của bà Ngọc Liên nằm sâu bên trong hẻm nhỏ 719/48 nối với hẻm chính 719 đã có 4 lần nâng nền trong 10 năm qua mới thoát cảnh bị nước tràn vào nhà.

Trong ký ức của bà Liên, khu vực này từ mấy chục năm trước đã xảy ra tình trạng ngập nước do triều cường. Nhưng lúc đó nhà dân còn thưa thớt, nước rút nhanh nên không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Dần dần, người từ nơi khác đến đây mua đất dựng nhà san sát. Người đến sau thường chủ động xây nhà cao hơn người trước, nhà bị ngập nâng nền cao hơn nữa, nên con hẻm trở thành "lòng chảo" chứa nước mỗi đợt triều cường.

Sống chung với ngập ở TP.HCM: Cả xóm đồng lòng nâng nền nhà 1-4 lần, cao hơn đường… cả mét- Ảnh 2.

Nhà bà Liên (bên trái) trải qua 4 lần nâng nền, trong khi nhà đối diện chỉ mới 1 lần.

Phan Diệp

Cả xóm đồng lòng nâng đường

Một hình ảnh khá oái oăm tại con hẻm đó là có nhà nâng nền lên cao hơn so với mặt đường cả mét, trong khi một số nhà khác lại lọt thỏm giữa những ngôi nhà xung quanh. Và khi gặp triều cường kèm mưa lớn, những căn nhà "không chạy đua kịp với con nước" sẽ bị ngập đầu tiên.

Như nhà của ông Lâm Văn Tỷ (80 tuổi) có phần chân tường đã nứt nẻ, lớp sơn bong tróc vì thường xuyên bị ngập nước. Ông Tỷ cho biết lúc mới chuyển đến đây hơn 10 năm trước, nhà ông cao hơn mặt đường và các nhà xung quanh. Tuy nhiên, dần dần nhà nào cũng nâng nền nên nhà ông bị thấp nhất hẻm. Nước ngập tràn vào có khi ngâm cả buổi không rút nên chân tường lúc nào cũng ẩm thấp nhưng đành bó tay, không biết làm gì hơn.

Sống chung với ngập ở TP.HCM: Cả xóm đồng lòng nâng nền nhà 1-4 lần, cao hơn đường… cả mét- Ảnh 3.

Ông Tỷ chỉ vào dấu tích do nước ngập để lại hằn lên cánh cửa sắt sau 10 năm sống chung với ngập nước.

Phan Diệp

Sống chung với ngập ở TP.HCM: Cả xóm đồng lòng nâng nền nhà 1-4 lần, cao hơn đường… cả mét- Ảnh 4.

Hẻm nhỏ 719/48 được nâng nền lên cao hơn so với hẻm chính 719 khoảng hơn nửa mét.

Phan Diệp

Sống chung với ngập ở TP.HCM: Cả xóm đồng lòng nâng nền nhà 1-4 lần, cao hơn đường… cả mét- Ảnh 5.

Một căn nhà trong hẻm 719/48 vẫn nâng nền cao hơn mặt đường gần cả mét.

Phan Diệp

Dân đông, áp lực đô thị lớn: Nước thoát đi đâu?

Tương tự ông Tỷ, bà Viện (74 tuổi) cũng sống một mình, không có điều kiện nên chỉ mới nâng nền 1 lần từ nhiều năm trước, nhưng vẫn không ăn thua.

Nhiều năm qua, tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng hơn. Con hẻm này cũng bất đắc dĩ nổi tiếng với việc người dân phải dùng xuồng để di chuyển vì ngập sâu, nước ngâm nhiều ngày không rút trong đợt triều cường đạt đỉnh năm 2020.

Để cùng nhau thoát ngập, người dân trong hẻm 719/48 bàn nhau góp tiền, đồng lòng nâng nền toàn bộ. Con hẻm nhỏ này này rộng chỉ hơn 1 m nhưng là lối dẫn vào nhà của hàng chục hộ dân.

Đợt đó, mỗi người đóng góp khoảng 2 triệu đồng, đổ bê tông lên cao hơn hẻm chính khoảng nửa mét. Từ đó, nước cũng bớt tràn vào nhà của ông Tỷ, bà Viện, trừ những đợt triều cường đạt đỉnh, kèm mưa lớn thì đành bó tay.

"Hẻm này dân góp tiền đổ bê tông lên cao hơn một khúc rồi nên cũng đỡ. Chứ tôi đâu có tiền mà sửa nhà mãi. Người dân chúng tôi cũng cố gắng để chống ngập rồi. Giờ chỉ mong sao chính quyền hỗ trợ để nâng hẻm chính lên cao nữa may ra mới thoát ngập", bà Viện nói rồi như sực nhớ ra, bà lấy viên gạch kê cao bàn thờ ông địa đang đặt dưới nền nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.