Chưa từng xảy ra sóng biển cao như thế ở đê biển Cà Mau
Ngày 4.8, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã trực tiếp kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ hộ đê, đồng thời chỉ đạo thực hiện khẩn trương các giải pháp hộ đê trong tình huống khẩn cấp.
|
Trước đó, chiều 3.8, tại tuyến đê phòng hộ ven biển thuộc xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời (Cà Mau), sóng lớn cùng nước biển dâng cao đã đánh liên tiếp vào tuyến đê, gây sạt lở thân đê một đoạn dài trên 300 m. Nhiều đoạn đê khác trên tuyến đê biển Tây cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Kinh khủng lắm
Người dân sống bên trong tuyến đê biển vẫn còn rùng mình khi nhắc lại chuyện sóng biển vượt qua kè chắn sóng, vượt qua mặt đê biển, tràn vào vùng ngọt hóa.
|
Anh Nguyễn Tấn Đạt, nhà ở ngay chân đê (xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời), kể: "Tôi chưa từng chứng kiến nước biển dâng kinh khủng như thế. Nước dâng rất nhanh, sóng cao, nước biển tràn qua thân đê vào vùng ngọt... Chúng tôi chỉ biết đứng nhìn trong hốt hoảng. Nhưng may mắn là nước cũng rút nhanh, chỉ xảy ra khoảng 30 phút. Chứ kéo dài thêm khoảng 30 phút tôi nghĩ đoạn đê biển trên sẽ vỡ".
Còn chị Nguyễn Thị Nụ, một người dân địa phương, nói: "Kinh khủng lắm, tôi đang ngồi trong nhà thì nghe ầm ầm. Nhìn ra đê thì thấy nước ào ào tràn qua đê. Những con sóng cứ đánh ầm ầm như thế đê nào mà chịu nổi. Tôi cứ nghĩ trong bụng là lần này chắc đê vỡ, đám ruộng nhà tôi sẽ tiêu tan vì nước biển. Giờ nhớ lại còn sợ quá".
|
Hàng trăm người trắng đêm gia cố, hộ đê
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Cà Mau, nói: "Khi sự việc xảy ra, chúng tôi huy động lực lượng đến ngay hiện trường để gia cố những điểm sạt lở nguy cấp. Để bảo vệ an toàn cho đê, anh em đã thức trắng đêm gia cố. Đến bây giờ thì tạm thời các điểm sạt lở nguy cấp được gia cố ở mức an toàn, nhưng cũng chưa nói trước được điều gì nên chúng tôi vẫn phải vừa gia cố vừa trực".
Ông Nguyễn Tiến Hải cho biết thêm hiện trên tuyến đê biển Tây luôn có hơn 200 người tham gia hộ đê và trực 24/24. "Lực lượng này vừa tham gia hộ đê, vừa trực 24/24 đề phòng biến cố xấu xảy ra, và sẽ trực đến khi nào mọi việc ổn định, tuyến đê an toàn, mới rút hẳn", ông Hải nói.
Hiện các ngành chức năng vẫn đang huy động lực lượng quân đội và dân quân tự vệ tập trung gia cố phần thân đê bị sạt lở.
|
Tuyến đê phòng hộ biển Tây có vai trò ngăn mặn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt trực tiếp cho 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Vậy nên, nếu đê vỡ thì cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng và hàng chục ngàn ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ bị thiệt hại nặng
Bình luận (0)