Sống động mô hình Sài Gòn xưa làm từ đồ tái chế của chàng trai 9X

04/09/2021 14:03 GMT+7

Phạm Tuấn Anh (28 tuổi) ngụ tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, từ bỏ công việc văn phòng để theo đuổi đam mê làm mô hình như Sài Gòn xưa, góc phố Hà Nội... từ đồ tái chế như lon bia, bìa giấy.

Nhìn lại đam mê khi muốn … “từ bỏ”

Ít ai biết rằng Phạm Tuấn Anh từng là cựu sinh viên ngành trắc địa công trình, Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương IV, một ngành học không liên quan đến đam mê làm những mô hình sống động.

Mô hình Phố đường tàu Hà Nội

NVCC

Sau khi tốt nghiệp ra trường năm 2015, Tuấn Anh làm nhân viên văn phòng, không có thời gian theo đuổi sở thích làm mô hình. Mãi đến tháng 10.2020, anh bắt đầu lại công việc làm mô hình. Vào đầu năm 2021, Tuấn Anh từ bỏ hẳn công việc văn phòng để dành thời gian cho đam mê của mình.

Mô hình Phố đường tàu Hà Nội

NVCC

Tuấn Anh cho biết: “Trong quá trình làm mô hình thì khó khăn nhất đối với mình là làm các chi tiết nhỏ. Vì các chi tiết ấy khá tỉ mỉ và công phu. Nếu không kiên trì thì mình sẽ không thể nào làm được. Về việc tô màu như thế nào cho hài hòa cũng là một khó khăn nữa với mình, vì mình chưa từng học qua một trường lớp mỹ thuật hay tạo dựng mô hình nào cả. Nhiều lúc cảm thấy rất chán nản và muốn từ bỏ nhưng rồi nhìn lại đam mê lại thôi thúc mình để vượt qua khó khăn đó”.
Tuấn Anh kể việc tìm ý tưởng cho những mô hình này không quá khó, chủ yếu là các danh lam thắng cảnh của Việt Nam, những hình ảnh thời bao cấp hay các thời kỳ trước đó. Nội dung các mô hình điều hướng về việc gìn giữ những giá trị xưa cũ.

Mô hình những ngôi nhà miền Tây

NVCC

Khi được hỏi lý do vì sao chọn làm những mô hình mang giá trị xưa cũ? Tuấn Anh cho biết: “Mình thấy những mô hình này gợi lại cho mình nhiều kỷ niệm, nó mộc mạc và gần gũi với đời sống hàng ngày. Mình muốn lưu giữ và truyền cảm hứng giúp mọi người nhớ lại một phần ký ức tuổi thơ.”
Mỗi khi làm xong sản phẩm, Tuấn Anh cảm thấy như bản thân như được sống lại trong thời gian đó, trong khung cảnh đó. Nói về dự định trong tương lai, anh mong muốn có cho mình một tiệm cà phê chuyên trưng bày mô hình.

Mô hình góc phố Huế năm 1968

NVCC

Người trẻ thấy gì từ những mô hình?

Một số bạn trẻ nhận xét những mô hình của Tuấn Anh giúp họ có một góc nhìn khác hơn về Sài Gòn, đặc biệt là hình dung ra được thành phố thời xưa như thế nào.
Nguyễn Văn Nam Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), chia sẻ: “Với yêu cầu phát triển của xã hội, những ngôi nhà cổ, mái ngói dần được thay bằng những công trình kiên cố, bê tông hoá các con đường. Và những mô hình này tái hiện một Sài Gòn xưa như thế này giúp những người trẻ như tôi hình dung về được một Sài Gòn xưa mà trước giờ chỉ thấy qua phim ảnh”.

Mô hình những ngôi nhà Sài Gòn xưa

NVCC

Đồng quan điểm trên, Huỳnh Nhật Quang, sinh viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cho biết: “Mình thấy những mô hình tạo cho mình cảm giác thân thuộc, mình học được những địa điểm du lịch của ngày xưa là như thế nào. Và nó còn làm mình có thêm niềm đam mê vẽ tranh”.
Cảm thấy yêu quê hương hơn là suy nghĩ của Đinh Thanh Toàn, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, sau khi xem qua những mô hình của Tuấn Anh. Toàn chia: “Từ những mô hình này, vừa có tính giải trí mà lại không mang cảm giác nhàm chán cho người xem. Càng xem nhiều mô hình, mình càng thấy yêu hơn quê hương mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.