Anh là Cao Văn Kha, 45 tuổi, sinh ra và lớn lên ở ấp Hòa Long, xã Định Thành, Huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Với đôi mắt quan sát và nhận xét cuộc sống của bà con quanh mình, anh thấy đời sống của bà con còn nhiều cơ nhỡ, nhà cửa thì trống trước hở sau, đường đi thì bùn sình lầy lội, áo quần học trò thì cũ mèm lại lấm lem, đi học không có cầu qua sông, phải cùng nhau bơi lội qua các con kinh để đến trường. Lòng anh ước mong bà con quanh mình có những căn nhà lành lặn, có những con đường trơn láng, có những cây cầu bắc qua các con kinh thông thoáng... Nhìn cuộc sống của bà con với nỗi buồn ám ảnh, anh nghỉ học năm lớp 7 đi lao động. Từ đó đến nay, đã 45 tuổi vẫn sống độc thân, lăn xả vào công tác từ thiện để cống hiến cho quê hương còn nhiều khó khăn bằng những gì mình làm được.
Anh Kha bên cây cầu mới xây |
tgcc |
Vì công việc chuyên chở vật liệu nơi này đến nơi khác rất quan trọng cho công tác từ thiện, anh Kha đã tư vấn cho gia đình để mua chiếc xe tải nhỏ giá 200 triệu đồng nhằm thuận tiện hơn. Ngoài ra gia đình anh sắm thêm chiếc ghe khoảng 15 tấn chuyên chở vật liệu sửa cầu/nhà/đường, chở thuốc nam, chở củi cho các bếp ăn từ thiện…
Việc làm của anh được chia ra rạch ròi:
Cất nhà cho người nghèo. Công việc đầu tiên anh quan tâm là cất nhà cho bà con nghèo, cơ nhỡ, bệnh tật. Mỗi năm anh cùng đội thi công cất cho bà con được 40 đến 60 căn nhà, mỗi căn từ 20 - 40 triệu đồng. Đội của anh Kha không những cất nhà cho bà con trong tỉnh An Giang mà còn nhiều bà con ở tỉnh khác nhờ thông tin được chia sẻ trên Facebook. Xem ở đâu có hoàn cảnh cơ nhỡ, cần giúp đỡ, đội của anh sẽ đến địa phương đó kết hợp với chính quyền cùng khảo sát, xem xét, nếu hợp lệ chỉ trong vài ngày đội anh chở vật liệu đến xây dựng.
Anh Kha trong căn nhà mới cất cho người nghèo |
tgcc |
Xây cầu kẽm và cầu bê tông. Bà con, nhất là các em nhỏ, qua sông, qua kinh đi lại khó khăn là nỗi trăn trở của anh Kha cũng như đội thi công. Vậy nên mỗi khi liên hệ các mạnh thường quân và nhận được sự giúp đỡ, các anh không ngại gian khổ hòng sớm thi công cầu, giúp bà con an tâm đi lại. Thường bắt cây cầu kẽm tốn từ 120-150 triệu đồng. Anh Kha cho biết từ đó đến nay đội anh đã bắc được 20 cây cầu kẽm, thời gian chỉ mất mười ngày/1 cái. Riêng cầu bê tông, mỗi cầu mất khoảng 45 – 50 ngày và đến nay đội của anh đã thi công 25 chiếc cầu. Vừa qua, đội gồm 15 người đã xây dựng cây cầu ở xã Nam Hải, Huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang chi phí 1,2 tỉ đồng. Hay trong đợt xây cầu bê tông ở Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, chi phí xây dựng là 400 triệu đồng. Trong lúc thi công thiếu tiền vật tư, anh đã vận động gia đình mình giúp đỡ bằng cách bán chiếc xe vận tải giá 130 triệu; nhờ vậy, cây cầu hoàn tất…
Dặm vá đường. Những con đường ổ gà, ổ trâu đã gây trở ngại cho bà con, nhất là đêm khuya mưa gió. Toán dặm vá đường của anh đã dặm vá, xây đường bê tông trên 15 km để bà con đi lại dễ dàng.
Nhóm công tác từ thiện của anh Kha |
tgcc |
Đóng hòm từ thiện cho người nghèo. Điểm đóng hòm của anh gồm có 4 người. Hòm được đóng bằng cây gỗ còng do bà con cho, sẽ được chở đến tận nơi khi gia đình nghèo, người vô gia cư cần giúp đỡ.
Sưu tầm thuốc nam. Anh thường liên hệ nhiều địa phương có nguồn thuốc nam phong phú, khi thuốc được hoàn tất, anh cho người đem xuồng hoặc xe chở đến tận địa phương nào cần để bà con sử dụng. Anh cũng hợp tác cung cấp thuốc nam cho các điểm khám chữa bệnh Đông y miễn phí ở nhiều tỉnh lân cận.
Cung cấp củi. Nguồn cung cấp củi của anh là từ sau khi xây lại căn nhà mới cho bà con, lấy gỗ thừa làm củi; hay khi các cây cầu gỗ được thay thế bằng bê tông, anh tận dụng củi thừa để chuyển đến cho bếp ăn bệnh viện, bếp nấu cơm miễn phí cho học sinh…
Anh Cao Văn Kha cho biết, làm công tác xã hội tự nguyện này không ai bắt, nhưng thời gian cứ nối đuôi xoay vần nên anh cứ thế hết việc này đến chuyện khác. “Chúng tôi có khi che lều ngủ bên dòng kinh, ngủ đầu cầu không ngại mưa gió, muỗi mòng… Riêng về ăn uống thì không bận tâm vì toàn là ăn chay, bà con ủng hộ cây trái. Chuyện đáng lo nhất của anh em chúng tôi là xây dựng công trình thiếu trước hụt sau. Có lúc chạy ngược chạy xuôi, chạy tối mặt để kiếm vật liệu thi công cho hoàn tất”, anh chia sẻ. Có bận gặp anh đang dỡ nhà, mồ hôi ướt đẫm, tôi đến hỏi chuyện rồi nhắc đến vợ con thì anh cười, nói: “Cuộc đời cực khổ đã nếm trải, tôi không chọn được nghề mà nghề đã chọn tôi, giúp cho xã hội là niềm vui lớn, nên chuyện gia đình tôi chưa nghĩ đến”.
Theo ông Phan Văn Mỹ - Chủ tịch UBMT xã Định Thành, anh Kha làm công tác xã hội rất tốt, đã có hàng trăm phương án anh lên kế hoạch để làm, hàng trăm triệu đồng hỗ trợ cho gia đình nghèo… Qua 25 năm đem công sức đóng góp cho xã hội, UBND tỉnh An Giang đã tặng anh 4 bằng khen; ngoài ra, anh nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các huyện và các ban ngành khác.
Bình luận (0)