|
Chỉ chạy qua địa phận Hà Nội chưa đầy 20 km (điểm đầu thuộc xã Thượng Cát, H.Từ Liêm, cho tới điểm cuối là H.Phú Xuyên), nước sông Nhuệ đã chuyển qua màu đen kịt, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Dấu hiệu rõ nhất về sự ô nhiễm của con sông này phải kể đến khu vực cầu Tây (xã Trung Văn, H.Từ Liêm). Tại đây, dòng nước gần như ngừng chảy, nước đen sền sệt sủi bọt.
Cá chết, cây cối lụi tàn
“Trước đây, nước sông được chúng tôi sử dụng để sản xuất hoa màu, nhưng mấy năm trở lại đây nước đen kịt, tưới rau thì rau héo úa. Cá tôm dưới sông là nguồn thức ăn chính của các hộ dân hai bờ nhưng giờ chẳng còn một con nào sống sót. Nước sông dính vào chân tay lập tức mẩn ngứa, còn ngửi mùi hôi thối của sông thì váng hết cả đầu óc…”, bà Nguyễn Thị Lợi, một người dân xã Trung Văn, phản ánh.
|
Càng xuôi dòng, mức độ ô nhiễm càng tăng lên. Như đoạn chảy qua địa phận Q.Hà Đông, sông Nhuệ chẳng khác cái ao tù, nước sông đặc quánh, đen xì và mùi xú uế rất nặng. Khắp mặt sông chỉ là những vũng, những hố nước nổi váng đen ngòm. Theo người dân sinh sống dọc hai bên bờ đoạn chảy qua cầu Trắng (Q.Hà Đông), chỉ khi mưa to, nước sông được rửa trôi thì đỡ nặng mùi, nhưng cũng chẳng được lâu. Còn vào dịp cuối năm hanh khô, dòng sông thực sự là nỗi kinh hoàng của bà con nơi đây: nước lờ lờ một màu đen và bốc mùi khủng khiếp.
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, không riêng gì sông Nhuệ, các con sông còn lại chảy qua địa bàn thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu cũng đang chết dần. Gần như chẳng còn loài sinh vật nào có thể sống được dưới dòng sông.
Sông Tô Lịch chính là con sông lớn nhất trong số những con sông kể trên và mức độ ô nhiễm cũng đứng đầu. Trung bình mỗi ngày đêm có gần 250.000 m3 nước thải xả thẳng xuống sông mà không hề qua xử lý. Bị ô nhiễm nặng nề nhất là khúc sông chảy từ điểm giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt cho tới điểm Ngã Tư Sở.
Dẹp quán, bán nhà vì sông ô nhiễm
Sống gắn bó gần hết cả cuộc đời bên bờ sông Nhuệ, ông Trần Quang Hưng, một người dân xã Tả Thanh Oai (H.Thanh Trì, TP.Hà Nội), cho hay chưa bao giờ thấy nước sông Nhuệ bẩn và đáng sợ như hiện nay. Những ngày nổi gió, thứ mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mặt nước sông khiến không biết bao nhiêu con người khổ sở. “Từ khoảng 5 năm nay, mức độ ô nhiễm của khúc sông Nhuệ chảy qua xã ngày một trầm trọng. Lúc đầu cá tôm sinh bệnh mà chết trắng, rồi dần dần biến mất. Có thời kỳ cá chết nổi đầy sông, dân làng phát sợ, không ai dám vớt. Cá không chịu được, nói chi chuyện người dám dùng nước sông để tắm giặt, tưới tiêu. Không chỉ thế, nước sông còn làm ô nhiễm cả nguồn nước ngầm”, ông Hưng kể, đồng thời cho biết đã nhiều lần nghe các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cảnh báo xuất hiện ô nhiễm hữu cơ và kim loại trong nước sông Nhuệ.
|
“Vài năm trở lại đây, nước giếng của các hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Nhuệ đã chuyển dần sang màu xám, mùi nước tanh và hắc. Đã có nhiều đoàn kiểm tra vệ sinh môi trường huyện về lấy mẫu nước giếng đi xét nghiệm, kết quả cho thấy nước bị nhiễm asen ở mức độ cao, chiếm khoảng 10 - 12%. Nguyên nhân làm cho nước giếng bị nhiễm độc được các đoàn kiểm tra này cho là do nước sông Nhuệ ngấm vào”, ông Hưng nói.
Chị Minh Thu, một cư dân sinh sống tại P.Quan Hoa (Q.Cầu Giấy), cho biết: “Trước đây, khi nước sông còn sạch, chúng tôi vẫn xuống gánh nước về tưới cho cây cối. Bây giờ khúc sông chạy qua địa bàn phường đã dần trở thành cái ao tù. Ngày lặng gió còn đỡ, hễ trời nổi gió hoặc nắng nóng, đặc biệt sau mỗi trận mưa, hơi độc từ sông bốc lên ghê lắm. Những ngày như vậy, người dân sinh sống làm ăn dọc hai bên bờ sông, ai nấy mắt mũi cay xè, ngứa ngáy toàn thân”.
Trước đây, chị Minh Thu có một quán bán hàng ăn sáng nằm bên bờ sông Tô. Nhưng từ ngày nước sông bị ô nhiễm nặng, mùi hôi thối bốc lên thì chẳng còn thực khách nào tới quán ăn. Hàng ế, chị Thu đành dọn vào tận gốc đa trong làng để bán. “Nhiều hộ gia đình có nhà mặt tiền nhìn thẳng ra sông Tô Lịch nhưng không thể ở nổi vì mùi nước hôi thối nên đành phải cho thuê hoặc bán, chuyển đi nơi khác”, chị Minh Thu cho biết thêm.
|
Anh Nguyễn Văn Tiến ở xã Châu Can, H.Phú Xuyên (TP.Hà Nội), nơi điểm cuối của dòng sông Nhuệ trên đất Hà Nội trước khi chảy vào địa bàn tỉnh Hà Nam, phản ánh tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ diễn ra từ nhiều năm nay. Do nước quá bẩn nên những người sinh sống dọc hai bờ sông Nhuệ thường xuyên mắc những chứng bệnh như da mẩn ngứa, nổi mụn, bệnh hô hấp…
Ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cả trăm lần Theo thông tin vừa được Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN-MT tỉnh Hà Nam) công bố, nước sông Nhuệ chảy vào địa bàn tỉnh này đang bị ô nhiễm trên mức báo động 3. Kết quả phân tích mẫu nước của trung tâm này cho thấy, nồng độ ammoni vượt 151 lần tiêu chuẩn cho phép, COD vượt 4 lần. Nồng độ ô xy hòa tan chỉ đạt 1,18 mg/l, nhỏ hơn 5,1 lần giới hạn cho phép. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN-MT Hà Nội), chất lượng nước ở khu vực thượng nguồn của các sông chảy qua khu vực nội thành như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ đảm bảo quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT của Bộ TN-MT về chất lượng nước mặt, nhưng chất lượng nước sông giảm về phía cuối sông, các thông số có hàm lượng vượt quy chuẩn cho phép gồm: BOD từ 30 mg/l - 75 mg/l (vượt 2 - 5 lần), COD từ 60 mg/l - 180 g/l (vượt 2 - 6 lần), phosphat 1,2 mg/l - 1,5 mg/l (vượt 4 - 5 lần), sắt 2,25 mg/l - 3 mg/l (vượt 1,5 - 2 lần), ammoni 9 mg/l - 20 mg/l (vượt 18 - 40 lần), Coliform đo được 1,5x104 MPN/100 ml - 7,5x105 MPN/100 ml (vượt 2 - 100 lần). Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nước các con sông chảy qua địa bàn ô nhiễm trầm trọng như hiện nay, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khẳng định là do các nguồn nước thải trực tiếp ra sông hồ chưa được xử lý triệt để. |
Hà An
>> Ô nhiễm cảng cá đầu mối
>> Đã xác định 'thủ phạm' gây ô nhiễm sông Bưởi
>> Đừng để dân bệnh tật vì ô nhiễm
>> Cá chết hàng loạt do ô nhiễm
Bình luận (0)