Trước khi trồng nấm và sản xuất phôi nấm, anh Màng (36 tuổi), ngụ xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè, TP.HCM, từng nuôi giống gà Đông Tảo có giá trị kinh tế khá cao. Mô hình chăn nuôi hiệu quả ấy từng được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi.
Sau đó, do có chủ trương không chăn nuôi trong khu dân cư để đảm bảo môi trường không ô nhiễm, năm 2017 anh Màng quyết định chuyển sang trồng nấm.
"Lúc đầu, phôi giống trồng nấm tôi phải đi mua lại từ đơn vị khác, nhiều khi chất lượng không đảm bảo nên năng suất nấm không cao. Tôi bắt tay vào nghiên cứu sản xuất phôi giống nấm để đảm bảo chất lượng và cho ra đời những lô phôi do chính tay mình tạo giống", anh Màng kể.
Do thiếu kinh nghiệm, lứa phôi nấm đầu tiên không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nhiều lần sau đó kết quả thu được cũng rất thấp. Anh Màng quyết tâm hơn, nỗ lực tìm tòi, học hỏi để khắc phục các điểm sai. Mỗi lần thất bại, anh rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Anh bắt đầu phân tích, tìm nguyên nhân thất bại để tiếp tục theo đuổi công việc phát triển nghề trồng nấm.
Nhận thấy việc trồng phôi nấm mang lại thu nhập ổn định và có đầu ra, năm 2020 anh Màng quyết định dừng trồng nấm thương phẩm để chuyên tâm vào việc làm phôi nấm cung cấp cho các cơ sở trồng nấm, người dân có nhu cầu.
"Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, tôi mới hoàn thiện được việc cải tiến kỹ thuật sản xuất phôi nấm và cung cấp cho thị trường như bây giờ", anh chia sẻ.
Đối với anh Màng, điều quan trọng với người làm phôi nấm là phải uy tín, đảm bảo chất lượng. Khi phôi nấm đạt yêu cầu, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc của người trồng thì chắc chắn đạt năng suất cao. Anh Màng luôn sản xuất phôi nấm đạt chất lượng, lựa chọn những nguyên liệu tốt, tuy lời ít nhưng bán được số lượng nhiều.
"Đầu tiên, phải chọn 100% mùn cưa cao su mua từ cơ sở sản xuất mùn cưa ở tỉnh Bình Phước. Các công đoạn từ ủ bã, vô bịch, hấp, vô meo, lên giàn nấm... đều được tôi thực hiện kỹ càng. Phòng để giữ meo nấm phải thường xuyên vệ sinh để đảm bảo meo nấm được phát triển trong môi trường sạch, không nhiễm bệnh", anh Màng cho biết.
Quá trình làm phôi nấm, anh Màng luôn tuân thủ các quy trình sản xuất theo hướng an toàn, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ, phòng bảo quản phôi được xây dựng kiên cố, thoáng mát.
"Dinh dưỡng trong bịch phôi đã có, người trồng chỉ cần tưới nước kích ẩm cho phôi và bảo quản đúng kỹ thuật, mỗi ngày bịch phôi sẽ cho ra nấm", anh Màng nói.
Ðến nay, cơ sở làm phôi nấm của anh Màng có diện tích 280 m2 với quy mô sản xuất 45.000 bịch phôi nấm các loại, chủ yếu tập trung trồng sản xuất các loại nấm như: nấm linh chi, nấm bào ngư.
Mỗi tháng, xưởng của anh Màng cung cấp gần 15.000 bịch phôi nấm ra thị trường cụ thể là các trại nấm trong địa bàn tỉnh Long An và TP.HCM.
"Mô hình làm phôi nấm được nhiều người biết đến, tìm tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Tôi chẳng giấu gì, bất cứ ai quan tâm, muốn trồng nấm hay làm phôi nấm, tôi đều chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc theo kinh nghiệm của tôi", anh Màng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, Bí thư Huyện đoàn Nhà Bè, TP.HCM, nhận xét: "Sau quá trình anh Màng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi và được sự hỗ trợ Huyện đoàn Nhà Bè, Hội Liên hiệp Thanh niên H.Nhà Bè, sản phẩm đưa ra thị trường được nhiều người đón nhận. Anh Mang rất tích cực tham gia hoạt động Đoàn của địa phương. Anh chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với mô hình làm phôi nấm cho các bạn thanh niên, tạo được sự lan tỏa đến họ. Mô hình của anh Màng được nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu tuyên dương của các cấp". (còn tiếp)
Bình luận (0)