Làm phôi nấm sạch và thu gom rác đem lại thu nhập ổn định

Tâm Ngọc
Tâm Ngọc
26/05/2022 07:04 GMT+7

Cách mà anh thanh niên 26 tuổi Trần Quang Tiến tìm kiếm niềm vui, động lực sống cho mình vô cùng giản dị và hữu ích. Đó là xây dựng một hợp tác xã nho nhỏ làm phôi nấm và dọn sạch rác ở làng quê.

Anh em sống được thì mình sống được

Tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn chuyên ngành công nghệ sinh học, ra trường đi làm cho một số công ty lớn nhỏ đủ loại, anh Tiến (ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ, Bình Định) không chọn trụ lại ở thành phố như nhiều bạn bè trong lớp mà trở về quê thực hiện dự án đã ấp ủ từ lâu.

Anh kể: “Sinh ra và lớn lên ở làng quê, mảnh ruộng, cây trồng với tôi lúc nào cũng có gì đó hay ho, thú vị lắm. Tôi đã mơ giấc mơ nông nghiệp từ rất lâu. Lớn lên, lại được học đúng ngành mình thích. Vì thế, từ học kỳ hai của năm thứ nhất, ngày nào tôi cũng tới phòng thí nghiệm để làm nghiên cứu”.

Anh Tiến tại khu sản xuất phôi nấm của HTX Agribio

TÂM NGỌC

Trở về sau khi đã được học hành bài bản về công nghệ sinh học, cộng thêm những tìm tòi cá nhân về trồng nấm, anh Tiến mạnh dạn thuê 650 m2 đất để trồng nấm, trong đó dành tới 500 m2 để làm nhà xưởng, xây dựng lò hấp tiệt trùng để trồng nấm.

Tháng 9.2020, anh Tiến cùng với 10 thành viên khác thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Agribio để tạo môi trường làm việc mang tính hỗ trợ cùng phát triển. Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Agribio Trần Quang Tiến, đơn vị này chuyên sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp.

“Mở HTX liên kết sản xuất nông nghiệp là ước mơ của tôi nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương. Từ mô hình này, khi đủ điều kiện tôi sẽ phát triển thêm dịch vụ du lịch sinh thái, trong đó có tour thăm các cơ sở sản xuất nông nghiệp”, anh Tiến chia sẻ thêm về định hướng cho tương lai.

Tôi chấp nhận lỗ một thời gian để đổi lấy ý thức và thói quen tốt của bà con quê mình. Nếu không làm bây giờ thì còn phải chờ đến khi nào nữa? Cái gì cũng cần có sự thay đổi để tạo ra một môi trường sống tốt hơn, sạch sẽ và văn minh hơn

Anh Trần Quang Tiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Agribio

Hiện tại, mỗi tháng HTX của anh Tiến sản xuất hơn 10.000 bịch phôi nấm với giá bán ra là 4.500 đồng/bịch. Anh sử dụng các nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như cám gạo để trồng phôi nấm, không sử dụng phân bón, vì thế sản phẩm nấm giữ được mùi thơm đặc trưng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ riêng lĩnh vực này, anh Tiến đã giải quyết việc làm cố định cho 10 lao động địa phương với thu nhập cơ bản 4 triệu đồng/tháng.

Theo ông Dương Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, với một làng quê nghèo, có mức sống thấp như Mỹ Đức, thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên (có cộng thêm nếu tăng năng suất, bán được hàng) thì đây là con số đáng kể. Đóng góp của anh Tiến đã góp phần tạo sự ổn định cho kinh tế - xã hội địa phương.

Thay đổi thói quen vứt rác tự phát

Nếu làm phôi nấm, mua bán vật tư ngành nông nghiệp để tạo thu nhập và phát triển kinh tế cho các thành viên HTX Agribio thì việc đầu tư một xe thu gom rác thải của anh Tiến lại mang đến những giá trị hữu hình và vô hình khác.

Có một thực trạng lâu nay ở nhiều làng quê Việt nói chung và Bình Định nói riêng, đó là vấn nạn rác thải. Theo thói quen lâu đời, rác ở quê sẽ được bà con nông dân tự gom và đốt trong vườn nhà. Tuy nhiên, ở cái thời mà túi ni lông, nhựa và các vật dụng hiện đại chưa xuất hiện ở thôn xóm, việc đốt rác hoàn toàn đơn giản lại không gây ô nhiễm môi trường.

Anh Nguyễn Thành Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, cho biết: “Trần Quang Tiến là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Bình Định do Tỉnh đoàn bầu chọn năm 2021. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Tiến còn là Bí thư Chi đoàn thôn An Giang Đông (xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ) và rất năng nổ, tích cực. Năm 2020, Tiến áp dụng công nghệ 4.0 trong việc làm nấm sạch. Năm 2021, Tiến nghiên cứu phát triển các loại nấm chủ lực và đạt sản phẩm OCOP 3 sao đối với nấm hoàng đế. Bên cạnh đó, Tiến còn rất nhiệt tình trong các công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ các học sinh nghèo của địa phương”.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mọi sự đã khác xưa rất nhiều, rác trở thành vấn đề nhức nhối nhưng lại khó để giải quyết khi thói quen vứt rác ra sông suối đã nằm trong tiềm thức và việc chi trả một mức phí (dù nhỏ, chỉ 28.000 đồng/tháng/hộ) cũng là điều không dễ.

Anh Tiến chia sẻ: “Tôi biết việc này sẽ rất khó có lời. Chỉ cần đủ trả tiền cho các công nhân vệ sinh hằng tháng là tốt lắm rồi (5 triệu đồng/người/tháng). Nhưng như vậy thôi, tôi cũng vẫn làm. Vì mình làm sạch cho quê mình. Mới đầu chỉ khoảng 10 - 20% bà con chịu đóng tiền rác. Sau đó tăng dần và hiện tại đã được 50% số hộ dân. Tôi chấp nhận lỗ một thời gian để đổi lấy ý thức và thói quen tốt của bà con quê mình. Nếu không làm bây giờ thì còn phải chờ đến khi nào nữa? Cái gì cũng cần có sự thay đổi để tạo ra một môi trường sống tốt hơn, sạch sẽ và văn minh hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.