Vốn có tính cách hướng nội, chọn cuộc sống an toàn ít biến động nên Nguyễn Minh Thư (24 tuổi, làm tư vấn pháp luật tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy cuộc sống nhạt nhẽo. Nhưng tất cả đã thay đổi từ khi Thư tham gia tình nguyện viên thuộc đội hình chống dịch Covid-19 của P.9, Q.Tân Bình, cô cho biết bản thân cảm thấy yêu đời hơn khi được làm công việc ý nghĩa.
“Tôi cảm thấy chuyến tình nguyện này như một điểm sáng chói trong cuộc sống nhạt nhẽo của mình bấy lâu. Tôi thấy bớt tiêu cực, vì được nhìn thấy cuộc sống khó khăn của nhiều người, khiến tôi bớt than vãn, nói ít, làm nhiều hơn và đặc biệt là thấy tự hào về bản thân mình. Nhân lúc còn trẻ, sức còn nhiều, mình đi thôi”, Minh Thư chia sẻ.
|
|
Cô bắt đầu tham gia tình nguyện viên kể từ ngày 5.8 sau nhiều lần đấu tranh với nỗi sợ của bản thân. “Sợ chứ, mỗi ngày tiếp xúc mấy trăm người, chạy đi chạy về, đôi lúc rất mệt, đuối sức nhưng đổi lại là niềm vui vì mình gặp được nhiều anh chị em, bạn bè. Những người tuy rằng chẳng biết gì nhiều về nhau, thậm chí tên cũng chưa kịp nhớ nhưng khoác vào bộ áo xanh thì tất cả là gia đình có cùng mục tiêu đẩy lùi dịch Covid-19... Hạnh phúc hơn là được cho đi, được giúp đỡ người khác và nhiều hơn nữa”, Thư nói.
Mỗi ngày, nữ tình nguyện viên làm nhiều việc khác nhau từ kiểm tra thông tin người dân, đo huyết áp, nhập thông tin vào hệ thống tiêm chủng quốc gia cho đến phân chia thực phẩm, đi đến từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.
Đây là lần đầu tình nguyện nên cô gặp không ít những khó khăn trong lúc làm nhiệm vụ như người dân chen lấn, tụ tập nói chuyện khi chờ tiêm vắc xin phòng Covid-19, hay không hợp tác lấy mẫu xét nghiệm… Tuy gặp không ít khó khăn nhưng Thư luôn tự trấn an bản thân vì ý thức được ý nghĩa của việc đang làm và cảm thấy an ủi khi nhận được những hành động đẹp của người dân.
“Đó là sự tiếp sức của những người dân, có lúc thì hỗ trợ nước uống, trái cây, động viên hỏi thăm chúng tôi. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà cụ hơn 70 tuổi đi tiêm vắc xin. Bà cụ vui tính, đầy lạc quan, cứ đòi nắm tay, ôm để cảm ơn, lúc về còn không ngừng động viên “mấy con cố lên nhen, bà thương lắm”, Thư kể lại.
|
Cũng giống như Minh Thư, Tăng Thanh Trực (20 tuổi, SV Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM) cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn khi tham gia tình nguyện viên ở huyện Củ Chi, TP.HCM từ ngày 4.8. Hiện tại, Trực đang tham gia vào đội hình hỗ trợ nhập liệu, hướng dẫn người dân điền thông tin trước khi tiêm vắc xin.
Từ ngày tham gia làm tình nguyện viên, Thanh Trực cảm thấy vui vẻ, lạc quan hơn và thay đổi được thói quen xấu của bản thân. Trực chia sẻ: “Trước khi làm tình nguyện viên tôi thường xuyên ngủ nướng và sống thiếu kỷ luật. Từ ngày tham gia tôi bắt đầu dậy sớm hơn, đến điểm trực đúng giờ để kịp thời hỗ trợ người dân”.
|
Nam tình nguyện viên cho biết anh cảm thấy trân trọng cuộc sống hiện tại hơn khi được chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn trong lúc tình nguyện. “Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh một cụ già hơn 80 tuổi với vẻ ngoài khắc khổ, khóe mắt trực trào nước mắt đến nhờ tôi điền giúp thông tin vì bà không biết chữ. Tuy không nói chuyện nhiều, nhưng những giây phút ngắn ngủi giao tiếp qua đôi mắt tôi cảm nhận được cuộc sống đầy vất vả của bà cụ ấy. Có lẽ ánh mắt ấy ám ảnh tôi mãi đến sau này”, anh chia sẻ.
|
Nam sinh viên cho biết cái anh có được nhiều nhất sau chuyến tình nguyện này là kỷ niệm, gặp gỡ được những người đồng đội cùng chung lý tưởng, học hỏi, hình thành thói quen tự giác, chịu được áp lực công việc và sống lạc quan hơn mỗi ngày.
Bình luận (0)