Ngày 5.7, thông tin từ UBND H.Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có ý kiến, không đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội Tre luồng H.Quan Hóa, cho các cơ sở chế biến lâm sản tiếp tục hoạt động, sản xuất hết nguyên liệu tồn kho.
Vấn đề này liên quan đến vụ việc sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng (như Thanh Niên đã phản ánh) trong khoảng thời gian từ ngày 15.3 đến cuối tháng 4, khiến các cơ sở chế biến lâm sản dọc sông Mã trên địa bàn H.Quan Hóa bị đình chỉ hoạt động.
Trước đó, khi tình trạng sông Mã qua địa bàn các huyện Bá Thước và Cẩm Thủy (hạ du sông Mã so với H.Quan Hóa) bị ô nhiễm, UBND H.Quan Hóa đã kiểm tra và phát hiện 9 cơ sở chế biến giấy vàng mã, bột giấy trên địa bàn huyện này đều có vi phạm.
Do đó, ngày 1.5, UBND H.Quan Hóa đã quyết định cho cả 9 cơ sở tạm dừng hoạt động để chờ cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở chế biến lâm sản xử lý các vi phạm, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường.
|
Đến ngày 26.5, Hiệp hội Tre luồng H.Quan Hóa có tờ trình đề nghị cho các cơ sở (9 cơ sở) tiếp tục hoạt động sản xuất hết nguyên liệu (tre luồng đang ngâm ủ, hoặc luồng đã thu mua về kho chưa) đang tồn kho. Thời gian sản xuất hết hàng tồn kho khoảng từ 18 - 30 ngày.
Nhận được kiến nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở TN-MT Thanh Hóa cùng với các đơn vị họp bàn, xem xét để tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi họp bàn, UBND H.Quan Hóa và Sở TN-MT Thanh Hóa thống nhất sẽ cho 2/9 cơ sở được hoạt động sản xuất, là Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát và Công ty TNHH Duyệt Cường. 7 cơ sở còn lại nếu muốn sản xuất hết hàng tồn kho thì chở nguyên liệu đến HTX Hợp Phát và Công ty TNHH Duyệt Cường để sản xuất cho hết.
Tuy nhiên, phương án này không được Hiệp hội Tre luồng H.Quan Hóa đồng ý. Đơn vị này cho rằng, nếu để HTX Hợp Phát và Công ty TNHH Duyệt Cường được sản xuất hàng tồn kho cho tất cả các công ty, thì 2 đơn vị này không đủ năng lực sản xuất hết nguyên liệu đang tồn kho; và hệ thống xử lý nước thải của 2 đơn vị này không đủ công suất xử lý, và chưa được xác nhận đủ điều kiện hoạt động.
Một lần nữa, Sở TN-MT Thanh Hóa tiếp tục họp, xem xét lại và đi đến thống nhất, kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là không đồng ý với đề nghị của Hiệp hội Tre luồng Quan Hóa. Nghĩa là không cho 9 cơ sở cùng hoạt động, sản xuất nguyên liệu tồn kho.
Theo Sở TN-MT Thanh Hóa, “các cơ sở sản xuất giấy vàng mã, bột giấy trên địa bàn H.Quan Hóa đều có hành vi vi phạm quy định về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với tồn tại, vi phạm sau thanh tra nên việc đề nghị cho phép hoạt động là chưa phù hợp”.
Từ kiến nghị của Sở TN-MT Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định không cho các cơ sở chế biến lầm sản (9 cơ sở) hoạt động, sản xuất đối với phần nguyên liệu còn tồn kho.
Như vậy, kể từ ngày 1.5 đến nay, 9 cơ sở sản xuất giấy vàng mã trên địa bàn H.Quan Hóa vẫn phải thực hiện việc dừng sản xuất. Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, vẫn có tình trạng cơ sở lén lút vận chuyển nguyên liệu và tổ chức sản xuất vào ban đêm.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, sông Mã bị ô nhiễm đã khiến khoảng 60 tấn cá lồng của người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Ngoài ra, các loài thủy sản tự nhiên cũng chết la liệt không kiểm đếm hết.
Bình luận (0)