Tích lũy suốt gần 900 năm, những kinh nghiệm về đúc đồng đã lắng tụ và bồi đắp lên một thế hệ nghệ nhân, thợ đúc đồng tài năng cho làng nghề Tống Xá để đã đúc ra những bức tượng, tượng đài đồ sộ, hoành tráng nhất nước...
Thợ đúc đồng Tống Xá nấu đồng, rót vào khuôn - Ảnh: Hoàng Long
|
Có mặt ở 70 quốc gia
Theo thống kê của Hiệp hội Đúc đồng Tống Xá (xã Yên Xá, H.Ý Yên, Nam Định), đến đầu năm 2015, sản phẩm của làng nghề này đã có mặt ở 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ông Dương Bá Tân, nghệ nhân đã được Hiệp hội Làng nghề VN phong tặng danh hiệu “bàn tay vàng”, tự hào khoe: Gia phả của các dòng họ thôn Tống Xá đều ghi cách đây gần 900 năm, cụ Nguyễn Chí Thành là học trò của thiền sư Giác Không đã đến thôn Tống Xá này và dạy dân biết làm khuôn, đúc đồng. Người làng bền bỉ theo nghề để tạo thành làng nghề đúc đồng Tống Xá vang danh hôm nay.
Giáp Tết âm lịch Ất Mùi nhưng những lò đúc đồng của thôn Tống Xá vẫn đêm ngày đỏ lửa, xe hàng nối đuôi nhau ra vào. Một nghệ nhân “bàn tay vàng” khác, ông Vũ Duy Thuấn (58 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH đúc Thuấn Dung) cho biết thuở xưa, làng chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương, chậu, gương... Hiện nay, thợ đúc đồng ở đây có thể sản xuất bất cứ sản phẩm nào về đồng như: lư đồng, tượng đồng, các đồ kỷ niệm, đồ lễ, đồ lưu niệm và thậm chí cả đồ gia dụng bằng đồng. Dấu ấn nổi bật là hầu hết những tượng đài, tượng Phật, tượng danh nhân bằng đồng có kích cỡ, trọng lượng lớn nhất VN đều có xuất xứ từ làng nghề này. Trong đó, nổi bật là Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao
16,2 m, nặng 220 tấn tại TP.Điện Biên Phủ trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, làng nghề lại được "chọn mặt gửi vàng" đúc tượng vua Lý Thái Tổ, cao 10,1 m, nặng 45 tấn. Rồi đúc tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đặt tại quảng trường 3 Tháng 2 của tỉnh Nam Định, tượng 14 vị vua thời Trần đặt tại quần thể di tích lịch sử văn hóa Thiên Trường, tượng Bác Hồ, tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối 35 tấn tại núi Non Nước (H.Sóc Sơn, Hà Nội), tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 50 tấn. Cũng theo ông Thuấn thì “ở tượng đồng
Lý Thái Tổ và tượng đồng Phật tổ Như Lai ở núi Non Nước, thợ đúc đồng gốc nông dân ở Tống Xá đã “dám” sử dụng công nghệ đúc tượng liền khối với tượng có chiều cao từ gần 7 m đến trên 10 m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc. Đây đang là công nghệ đúc khó, kể cả với các nước có công nghệ đúc phát triển trên thế giới”. Trong đó, nghệ nhân Vũ Duy Thuấn chính là người đầu tiên ở làng nghề này thành công khi áp dụng công nghệ đúc liền khối với tượng Phật tổ Như Lai ở chùa Non Nước.
“Phải chăm chú với nghề”...
Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí đúc H.Ý Yên, cho biết làng nghề Tống Xá hiện có khoảng 80 cơ sở đúc đồng với gần 2.000 thợ. Lúc cao điểm như giáp tết, hoặc có đơn đặt hàng lớn thì số thợ lên tới hàng vạn, hoặc cả xã cùng đi đúc đồng. “Nhờ đúc đồng, chỉ riêng thôn Tống Xá có trên 100 xe con; nhà cao tầng, biệt thự cỡ từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng có hơn 100 cái”, ông Khanh tự hào khoe.
Có lẽ do nhận thức được nghề truyền thống đem lại cho bản thân, gia đình cuộc sống sung túc nên thợ đúc đồng Tống Xá đều có ý thức rèn nghề rất nghiêm khắc. Anh Nguyễn Văn Nam, 40 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH đúc Đại Nam Nam, trước khi trở thành chủ xưởng đã phải mất hàng chục năm theo học từng thao tác của nghề đúc với không ít lần bị bỏng, sứt sẹo chân tay. Giữa năm 2009, anh được nghệ nhân Vũ Duy Thuấn tin tưởng giao làm thợ kỹ thuật tham gia làm tượng Thánh Gióng nặng 85 tấn và đúc tượng 14 vị vua Trần, đây được xem là bước đột phá trong quá trình học nghề của anh... Nhưng phải đến 2013 - 2014, anh Nam mới chính thức có tên trong làng nghề đúc đồng Tống Xá khi đứng ra nhận đúc tượng Phật Thích Ca cao 14,8 m, nặng 150 tấn, được xem là đại tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á được đặt tại Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm - Thiên Trường (TP.Nam Định).
Theo anh Trần Văn Toàn, một thợ đúc đồng giỏi ở Tống Xá, hiện đang là Phó tổng giám đốc Công ty CP đúc Trần Toàn: “Ai cũng biết làm tượng lớn sẽ có danh, lãi nhiều hơn nhưng chỉ có các nghệ nhân, thợ giỏi nhất làng mới dám nhận đúc tượng lớn”.
Bản thân nghệ nhân Nguyễn Trọng Hạnh, người đã đúc thành công Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, cho biết để có “danh” trong làng nghề đúc đồng Tống Xá, ông từng phải lặn lội đến các làng nghề đúc đồng cả nước như Ngũ Xá (Hà Nội), Đại Bái (Bắc Ninh), Ba Chè (Thanh Hóa), Huế... để tìm hiểu, đối chiếu, tạo ra bí quyết riêng. Sau đó, để học đúc tượng, ông Hạnh mua tượng mẫu, mượn tượng đẹp về đúc thử, tìm cách tiếp cận các nhà điêu khắc nổi tiếng như Tạ Quang Bạo, Tạ Duy Đoán, Minh Đỉnh, Lê Liên... để học nghề.
Bình luận (0)