Mỏ khai thác đá tại ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, TP. Biên Hòa Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai với viên đá nặng hơn 4,5 kg bay vào nhà - Ảnh Nguyễn Khánh
|
Khoảng 4 năm trở lại đây, khi 5 mỏ đá ở ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đi vào khai thác, nhiều hộ dân do không chịu đựng được đã phải bán đất, bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống. Những hộ ở lại tự đặt tên cho xóm của mình là xóm “giật mình”, bởi mỗi khi các mỏ đá nổ mìn thì họ lại thấp thỏm lo âu.
Nhà cửa rung lắc như động đất
Cách đây chưa đầy một tháng, quán cơm của bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, ở tổ 9, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước phải đón nhận một “cục đá bay” khiến cả khách và chủ một phen hoảng loạn. “Lúc đó đang giữa trưa, quán còn vài khách ngồi ăn cơm thì một cục đá nặng 4,5kg văng vào bàn ăn của khách, rất may là không ai bị thương. Mặc dù đã quen với cảnh nổ mìn khai thác đá, nhưng sau vụ đá rơi đó mỗi lần các mỏ đá nổ mìn là tôi lại nơm nớp lo sợ”, bà Mai cho biết.
Trong khi đó, gia đình bà Giáp Thị Huệ ngụ cùng ấp Thiên Bình, xã Tam Phước nằm cách mỏ đá khoảng 200m nên mỗi lần mỏ đá nổ mìn thì nhà cửa của gia đình rung chuyển như động đất! Bà Huệ bức xúc: “Nhà của gia đình tôi giờ nứt toác hết, với tình hình này thì không biết nó đổ sập bất cứ lúc nào”.
Không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng hết sức bức xúc trước hoạt động khai thác đá đang diễn ra trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết hiện trên địa bàn xã có 5 mỏ đá đang khai thác. Từ năm 2010, khi các mỏ đá đi vào hoạt động đến nay đã gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương. “Xã không có quyền hạn trong việc thanh, kiểm tra hoạt động của các mỏ đá mà chỉ phối hợp mỗi khi có đoàn chức năng đi kiểm tra. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng khai thác đá lộn xộn như hiện nay”, ông Đức nói.
Bụi phủ kín nhà và cây trồng
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước “Các đoàn xe chở đá hoạt động suốt ngày, không những phá nát đường liên ấp mà bụi mù mịt sau mỗi chuyến xe cũng khiến cho cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Nhà cửa chúng tôi phải lau chùi suốt ngày nhưng một lúc sau là bụi lại phủ đầy”.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, bụi từ quá trình khai thác đá còn ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân. Tại xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu nơi đang bị 7 mỏ đá bao vây, nhiều hộ dân đã phải chặt bỏ vườn cây của gia đình, bởi bụi từ khai thác đá khiến cho nhiều vườn cây giảm năng suất, hoặc bị chết dần. Ông Giản Văn Tuấn, ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu bức xúc cho biết. “Gia đình tôi đã phải chặt bỏ vườn chôm chôm lâu năm của gia đình. Bởi vào mùa ra hoa bụi đá bám đầy khiến cây không đậu trái được”.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai cho biết hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 40 mỏ đá đang hoạt động, trong đó một số doanh nghiệp khai thác đá chưa thực hiện tốt các quy định trong quá trình khai thác”.
Nguyễn Khánh
(Còn nữa)
>> Mỏ đá ‘bức tử’ chùa Châu Thới
>> Làng góa chồng bên mỏ đá
>> Tai nạn mỏ đá: 3 người chết, 1 người bị thương
Bình luận (0)