|
Mỏ đá tại khu vực ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP.Biên Hòa sau hàng chục năm được các doanh nghiệp (DN) khai thác, tận thu triệt để thì hiện tại còn lại là một bãi trống nham nhở, ngổn ngang, vách đá dựng đứng và những hồ nước sâu 70 - 80m. Những “hố tử thần” này đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống quanh khu vực này. “Dưới các hầm đá là những hồ nước rất sâu, ai không may lỡ sa chân xuống là coi như xong. Lo nhất vẫn là mấy đứa trẻ hay xuống khu vực hồ đá chơi rất nguy hiểm”, ông Trần Đình Mùi, một người dân ấp Cầu Hang, xã Hóa An lo lắng cho biết.
Rào chắn sơ sài
|
Theo quy định, các mỏ đá sau khi khai thác phải có rào chắn bao quanh để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, tại mỏ đá Hóa An, một đoạn dài ngay cạnh con đường dân sinh, các rào chắn chỉ dựng lên cho có. Các cột bê tông gãy đổ nằm nghiêng ngả và không có dây thép gai bao quanh. Một người dân sống gần mỏ đá cho biết trước đây đoạn hàng rào này cũng có dây théo gai bao quanh, nhưng được một thời gian đã bị cắt trộm để tiện đổ rác thải.
Không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân, các mỏ đá sau khai thác còn là nơi đổ trộm rác thải công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Được biệt hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 9 mỏ đá đã đóng cửa và dừng khai thác, tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi hoàn thành việc khai thác nhiều DN cũng “bỏ quên” luôn trách nhiệm hoàn nguyên, phục hồi môi trường.
Mù mờ giải pháp
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, các DN sau khai thác phải có phương án phục hồi môi trường. Tuy nhiên, do quy định về mức phí cải tạo môi trường thấp, thời gian thực hiện không rõ ràng nên số tiền mà các DN nộp không đủ để triển khai. Một số DN còn cố tình trì hoãn, dây dưa trong quá trình thực hiện việc phục hồi môi trường sau khai thác.
Trong khi đó, việc chuyển đổi một số mỏ đá sau khai thác thành khu dân cư và đô thị cũng như dịch vụ du lịch xem ra khó khả thi. Bởi với độ sâu của các mỏ đá, cũng như kỹ thuật còn hạn chế thì việc giải quyết theo hướng này là rất nan giải, ông Thường cho biết thêm.
Như vậy, trong thời gian chờ giải pháp từ các đơn vị có liên quan, người dân sinh sống quanh khu vực mỏ đá vẫn sẽ phải tiếp tục sống chung với nguy hiểm rình rập như đã tồn tại bấy lâu nay. Và câu hỏi về trách nhiệm của các DN cũng như hướng giải quyết vấn đề hậu khai thác đá như thế nào vẫn mù mờ và còn lâu mới có được câu trả lời.
Nguyễn Khánh
>> Sống ngắc ngoải cạnh mỏ đá - Bài 1: Nguy hiểm rình rập
Bình luận (0)