Sóng ngầm sau lớp mạng che mặt của những cô gái Ả Rập Saudi

24/09/2017 20:36 GMT+7

Thế giới bên ngoài nhìn họ như những cô gái ẩn nhẫn, cam chịu và đáng thương nhất. Nhưng thực tế, họ là những cơn sóng ngầm nổi loạn, nhận thức được bất công, khát khao tự do, bình quyền và mong muốn sự thay đổi…

Mở đầu bài viết về cuộc sống của những cô gái trẻ sống ở Vương quốc Ả Rập Saudi được đăng trên The Cut, tác giả kể lại chuyện một cô gái Ả Rập bị bắt chỉ vì mặc váy ngắn và áo crop top giữa nơi công cộng. Đây là lời nhắc nhở về những hạn chế đang chi phối đời sống phụ nữ Ả Rập Saudi: đi du lịch, lập gia đình cần sự đồng ý của người giám hộ nam, bị cấm tương tác với đàn ông ngoài người thân và bị bỏ tù vì lái xe… Trong môi trường như vậy, họ suy nghĩ gì, mong muốn gì?
Dưới đây là những ý kiến chung nhất của hơn 10 cô gái Ả Rập Saudi đang tuổi 20, 21, 25 - đến từ các vùng khác nhau, hoàn cảnh tài chính và cuộc sống gia đình khác nhau - có thể khiến chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về phái nữ nơi đây.
Bất bình quyền nam nữ: kẻ bức xúc, người hài lòng
Salma nhớ lại: "Hồi 16 tuổi, có lần tôi cần in bài nhưng các anh em trai đều không đến thư viện nên tôi tự đi. Nhưng lúc ở thư viện, anh cả xuất hiện, quát mắng, kêu tôi về nhà. Tôi về và chúng tôi cãi nhau gay gắt. Anh ấy ra tay đánh tôi. Trước đó, tôi đã biết phụ nữ bị đối xử khác biệt ở Ả rập Saudi, nhưng không phải biết theo cách như thế”.
Còn Joury nói: “Anh tôi được phép đi đến thành phố khác học và sống một mình. Tôi biết điều đó là không thể đối với tôi. Trường đại học có rất nhiều chuyến đi đến các quốc gia thú vị, nhưng cha mẹ tôi không cho phép tôi đi".
Cùng chung hoàn cảnh là Laila: “Tôi nhớ năm cuối trung học, bạn bè thường đi cà phê, ra bãi biển với nhau, nhưng tôi thì không vì tôi sợ bố. Cùng lúc đó tôi thấy các chàng trai đi cùng bạn bè của họ. Điều đó khiến tôi buồn bởi nhận ra rằng tôi không thể làm những việc mà cánh đàn ông được làm”.
Ả rập Saudi xếp hạng 141/144 quốc gia trong bảng xếp hạng bất bình đẳng giới toàn cầu. Phụ nữ ở đây bị cấm làm nhiều việc mà đối với đàn ông là chuyện bình thường
Aisha cho biết mình từng có bạn trai. “Anh ấy đi chơi cùng các bạn nữ nhưng nói với tôi rằng tôi không được phép có bạn bè hoặc đi chơi mà không mặc burqa (áo trùm kín từ đầu đến chân), và tôi lúc nào cũng chỉ được mặc abaya (áo choàng dài) màu đen tẻ nhạt. Khi thắc mắc tại sao anh được phép làm những điều này và tôi thì không? Anh là ai mà kiểm soát tôi? Anh ấy nói đó là bởi vì anh ta là đàn ông và là bạn trai của tôi. Chỉ một lý do như thế là đủ để anh ta có quyền hành động vậy đấy. Họ (nam giới) đã kiểm soát hầu như mọi thứ trong đời người phụ nữ”.
Tuy nhiên, cũng có những cô gái cảm thấy hài lòng với cuộc sống “trong lồng” như vậy. Mariam bày tỏ: “Rất nhiều phụ nữ nói về việc không thể làm những điều tương tự như đàn ông ở đây, nhưng tôi có cách nhìn khác: đàn ông cùng tuổi tôi cũng chẳng được làm những gì tôi có thể. Họ có cuộc sống vô tư, không căng thẳng như tôi bởi vì họ quá bận rộn với sự nghiệp và phải nuôi sống gia đình". Cô cũng không đòi hỏi được thi bằng lái xe mà thích được người khác chở đi như hiện tại. Kiểu người truyền thống như Mariam cũng thích mặc trang phục “kín cổng cao tường”: "Tôi cảm thấy rất an toàn trong abaya”.
Đối phó với hệ thống giám hộ nam
“Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, tại Vương quốc này, có những gia đình hiện đại tương đối thoải mái như tổ ấm Malak đang sống. "Tôi rất may mắn so với những phụ nữ khác ở Ả rập Saudi: gia đình tôi cởi mở hơn so với các gia đình Ả Rập truyền thống khác. Tôi được tự chọn chồng và mặc dù cha tôi là người giám hộ nhưng ông thường đồng ý khi tôi xin phép làm gì đó", cô gái 20 tuổi tâm sự.
Còn nhiều bạn đồng niên với cô không được hưởng điều đó nhưng họ có cách riêng để “sống chung với lũ”. Salma kể: "Do hệ thống giám hộ, cha tôi có thể biến cuộc sống của tôi thành địa ngục, ngăn cản tôi làm bất cứ điều gì hay buộc tôi làm bất cứ điều gì ông ta muốn. Nhưng ông ta không như thế được. Tại sao? Bởi vì tôi đã nói với ông ta rằng nếu đánh hoặc ngược đãi tôi bằng bất cứ cách nào tôi sẽ gọi cho cảnh sát… Nhưng tôi cũng 'cẩn thận’, không cho cha tôi lý do nào để trừng phạt tôi hoặc tước đi công việc của tôi”.
Tương tự như vậy, Noura cũng cho biết sẽ không cam chịu thêm nữa bởi cha cô và những người nắm quyền đã “quyết định số phận, quần áo, việc học hành”, kiếm soát toàn bộ tuổi vị thành niên khiến cô không có bất cứ điều tốt đẹp nào để nhớ đến. Thậm chí, “nếu không có Internet, tôi đã tự tử”, Noura cay đắng nhớ lại.
Hồi tháng 5 năm nay, Quốc vương Ả Rập Saudi đã đưa ra điều khoản cho phép phụ nữ Ả Rập có nhiều quyền hơn trong cuộc sống của mình bằng cách nới lỏng đạo luật nam giới giám hộ. Tuy nhiên, để có thể mang lại tự do và bình đẳng hoàn toàn cho phụ nữ Ả Rập, các nhà hoạt động xã hội sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa.
Hệ thống giám hộ nam kìm kẹp người phụ nữ ở Ả rập Xê Út đang dần được nới lỏng
Cuộc sống thường ngày: tẻ nhạt trên bề mặt nhưng ngầm nổi loạn
Nadia luôn dậy sớm, cô dường như chẳng có việc gì khác ngoài “tập trung hoàn thành yêu cầu của con trai và chồng” cũng như giữ nhà sạch sẽ. Cuộc sống quanh quẩn với niềm vui nho nhỏ là “ghé thăm các khu vườn hoặc đi mua sắm”. Nhưng cô không từ bỏ ước mơ trau dồi bản thân, Nadia cho biết: “Tôi vừa mới bắt đầu đi học lại. Tôi từng ngừng học hai năm sau khi tốt nghiệp trung học vì kết hôn”.
Bất chấp cấm đoán nặng nề, những cô gái trẻ luôn có cách ‘lách luật’ như Aisha (21 tuổi) chia sẻ: “Thói quen của tôi là: các ngày trong tuần chỉ dành cho việc học còn cuối tuần thì ra ngoài, gặp bạn bè và tiệc tùng - vâng, tiệc tùng đấy. Tại Ả rập Saudi, hầu hết mọi thứ đều bị cấm, nhưng chúng tôi có 'cuộc sống ngầm’, làm tất cả những điều điên rồ, chủ yếu là bất hợp pháp mà không ai biết. Đôi khi chúng tôi đến nhà bạn bè vì không thể mời họ ghé nhà mình (nếu biết được, cha mẹ chúng tôi sẽ giết chúng tôi mất), hoặc tới khu dân cư riêng tư, chỗ những người không phải là dân Ả rập Saudi sinh sống, nhưng chúng tôi thì có thể vào với tư cách du khách”.

Hôn nhân sắp đặt: người viên mãn, kẻ chống đối đến cùng
Tự do yêu đương và kết hôn là một điều xa lạ với nhiều cô gái Ả Rập Saudi. Aisha kể rằng chuyện hẹn hò là rất khó khăn và nhàm chán vì bị cấm đoán đủ thứ. Nhiều lúc chỉ “nói chuyện điện thoại chay” mà không được gặp suốt cả tháng trời. Ngoài ra còn phải “giỏi việc nói dối và lẻn ra ngoài”. Nếu không chịu được áp lực tâm lý và sự mệt mỏi khi hẹn hò kiểu này thì họ sẽ khó tự tìm tình yêu như mong muốn.
Salma chia sẻ: "Chẳng có hẹn hò gì ở đây đâu. Các mối quan hệ về cơ bản là hôn nhân sắp xếp giữa bạn và một người họ hàng gần gũi, như một người anh họ chẳng hạn. Điều đó là bình thường - họ không coi nó là loạn luân. Trên thực tế, chúng tôi có tỉ lệ mắc bệnh di truyền cao bởi vì thế đấy. Gia đình tôi tin tưởng vào hôn nhân sắp đặt. Họ hoàn toàn chống lại tình yêu và tự do cá nhân”. Nhưng Salma quả quyết: “Có điều, tôi sẽ không bao giờ bước vào một cuộc hôn nhân được sắp xếp, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa”.
Nhưng ngược lại, nhiều cô gái đang hạnh phúc với hôn nhân sắp đặt dạng này. "Cuộc hôn nhân của tôi được sắp đặt, nhưng tôi đã yêu chồng tôi ngay khi nhìn thấy anh ấy", Mariam (25 tuổi) khoe. Cùng niềm vui, Nadia nói: "Tôi đang sống trong một cuộc hôn nhân sắp xếp mà tôi hoàn toàn hài lòng và được gia đình tôi ủng hộ”.
Bên cạnh những trường hợp bị ép hoặc chấp nhận kết hôn theo dạng sắp xếp nói trên, cũng có những người được tự do tìm bạn đời. Joury là một ví dụ. "Nếu có ai đó quan tâm đến tôi và cảm thấy muốn tiến tới thì chúng tôi sẽ gặp bố mẹ và thảo luận về các bước tiếp theo", cô gái 21 tuổi chia sẻ.
Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ vẫn từng ngày hi vọng vào những thay đổi tích cực, tạo ra cuộc sống thoải mái, tự do hơn ở Ả Rập 
Và họ mong chờ những thay đổi tốt đẹp hơn
Những cô gái trẻ phần đông đều hướng đến cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn. Họ đang ngóng trông những thay đổi tích cực ở Vương quốc này nhất là sau khi Quốc vương Abdullah và Quốc vương Salman có những động thái trong công cuộc đem lại bình đẳng cho phụ nữ và phong trào đấu tranh đòi giải phóng khỏi hệ thống giám hộ nam giới của phụ nữ nước này từng bước giành được những kết quả nhất định.   
Joury nói: "Tôi không thích chuyện phụ nữ không phải là người giám hộ cho chính họ. Ngoài ra, ở đây rất thiếu phương tiện giải trí cho phụ nữ. Dường như hầu hết những điều 'thú vị' đều chỉ nhắm đến nam giới”. Cô cũng hi vọng đến ngày được thoải mái đạp xe, vui chơi cùng anh chị em mình mà không lo ngại những ánh mắt soi mói ác ý.
"Tôi muốn vương quốc này chấm dứt hệ thống giám hộ đi; và sẽ thông qua đạo luật kết tội những kẻ giết người đồng tính”, Salma hi vọng.
Noura cũng “không thích sự khinh thường đối với phụ nữ” ở đây. Cô gái 21 tuổi mong “phụ nữ có quyền lãnh đạo và tự do”. “Tôi muốn đi du lịch một mình, ra ngoài và thiết lập mối quan hệ bình thường với bạn bè. Tôi muốn mình sống như con người chứ không phải là một mặt hàng dễ vỡ chờ bán. Tôi là con người”, Noura mạnh mẽ bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.