Từng có nhà dân bị vùi lấp
Lâu nay, cứ mỗi mùa mưa bão xảy đến là 14 hộ dân ở thôn 1, xã Xuân Lam (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), sống dưới chân núi Hồng Lĩnh, lại bị đe dọa đến tính mạng vì núi có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Đáng nói, tại khu vực này vào năm 2012, ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Trần Thị Quán cũng bị đất đá trên đỉnh núi sạt lở xuống vùi lấp hoàn toàn. Rất may trước đó, gia đình bà Quán đã được chính quyền địa phương đưa đi sơ tán.
Đối với người dân nơi đây, hơn bao giờ hết, họ rất mong chính quyền sớm cho tái định cư để di dời ra khỏi vùng núi lở. Lo ngại hơn khi mới đây, người dân còn phát hiện một số vết nứt kéo dài ở trên đỉnh núi. Hiểm nguy rình rập là vậy nhưng cho đến nay, địa phương này vẫn chưa có phương án để chuyển các hộ dân đi nơi khác sinh sống.
Ông Nguyễn Xuân Thanh (50 tuổi) chỉ tay lên vết xước lộ ra ở góc đỉnh núi sau nhà ông Nguyễn Văn Hạ ở trong thôn, bảo cây cối và đất đá chỗ này bị bong tróc từng mảng, đổ ập xuống phía dưới chân núi trong đợt mưa lớn hồi tháng 4. Vụ sạt lở này đã vùi lấp một phần diện tích vườn của ông Hạ và vết lở hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Núi Hồng Lĩnh ở phía sau thôn chúng tôi bắt đầu xảy ra sạt lở từ đợt mưa bão vào năm 2009. Năm đó, khi chúng tôi từ nơi trú bão trở về nhà thì đã thấy đất đá tràn vào nhà cả mét, gây thiệt hại một số tài sản. Mấy năm qua, mỗi khi bão đến là chính quyền địa phương lại yêu cầu chúng tôi di dời đi nơi khác. Nếu cứ ở lại đây, sống chết không biết như thế nào”, ông Thanh lo lắng.
Theo ông Phạm Xuân Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, năm nào vào mùa mưa bão, chính quyền xã cũng phải sơ tán 14 hộ dân ở thôn 1 đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Địa phương này cũng từng nhiều lần đề xuất cấp trên bố trí kinh phí để cấp đất ở nơi khác cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể nào.
Tương tự, trong đợt mưa lũ lịch sử xảy ra hồi cuối tháng 10, nhiều hộ dân sinh sống dưới chân núi Nam Giới (ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng phải đi lánh nạn. Khi trở về, ngọn núi này bị sạt lở khiến một lượng lớn đất đá tràn vào nhà 6 hộ dân, gây thiệt hại khá nghiêm trọng. Chính quyền xã đã phải huy động rất đông lực lượng và mất rất nhiều ngày mới hoàn thành được việc khắc phục giúp các hộ dân.
Anh Nguyễn Văn Thành (45 tuổi), một trong số các hộ dân chịu thiệt hại, cho biết khu vực núi xảy ra sạt lở nằm ở độ cao chừng 10 m và có khoảng 30.000 m3 khối đất đổ ập xuống nhà dân. “Chúng tôi sinh sống tại đây nhiều năm qua, những ngọn núi này trước đó chưa khi nào xảy ra sạt lở. Vụ sạt lở đợt tháng 10 khiến chuồng trại chăn nuôi, tường rào, công trình phụ của gia đình tôi và một số hộ dân bị vùi lấp. Chúng tôi giờ không còn muốn sinh sống ở đây nữa vì sợ núi sẽ lại sạt lở”, anh Thành buồn bã nói.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND H.Thạch Hà, cho hay huyện này đang lên phương án bố trí nơi định cư mới để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Mất đất sản xuất vì núi lở
Nhiều người dân ở xã Cẩm Lĩnh (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn còn nhớ như in vụ sạt lở nghiêm trọng ở núi Chai và núi Bục xảy ra vào chiều 18.10 vừa qua. Vụ sạt lở này đã khiến hàng nghìn khối đất đá tràn xuống, xóa sổ hoàn toàn 6 ha đất sản xuất nông nghiệp và 8 ha đất lâm nghiệp của người dân. Lượng đất đá quá lớn, không thể khắc phục đã đẩy hàng chục hộ gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi không còn đất sản xuất.
Ông Lê Ngọc Thủy (50 tuổi, ngụ thôn 6, xã Cẩm Lĩnh) nhớ lại: “Chiều hôm đó, gia đình tôi đang ở trong trang trại dưới chân núi Chai thì nghe tiếng động lớn, chạy ra xem thì thấy đất đá đang tràn từ trên đỉnh núi xuống. Tôi cùng 4 người thân trong gia đình bỏ chạy nên may mắn thoát nạn. Núi sạt lở đã vùi lấp 2 ao nuôi cá, hơn 8.000 m2 đất trồng lúa và trồng cây ăn quả của gia đình tôi. Mất đất, gia đình tôi không còn gì để phát triển kinh tế nữa”.
Theo ông Hà Văn Bình, Chủ tịch UBND H.Cẩm Xuyên, những nơi đất nông nghiệp có thể cải tạo được thì huyện này đã giao cho UBND xã Cẩm Lĩnh chỉ đạo để người dân chủ động khôi phục sản xuất. Còn những khu vực bị đất đá vùi lấp quá lớn, huyện giao cho Phòng TN-MT phối hợp với chính quyền xã và các hộ dân nhanh chóng làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để ổn định phát triển sản xuất trở lại.
Bình luận (0)