Sống ở Cuba: 'Cá sấu' chuyển mình

05/01/2017 09:32 GMT+7

Từ trên cao nhìn xuống, quốc đảo Cuba có hình dạng như một con cá sấu nên nước này thường được gọi trong tiếng Tây Ban Nha là “cá sấu” (El Cocodrilo hoặc El Caiman). Những năm gần đây, cá sấu vùng biển Caribe đang thực sự chuyển mình.

Đến Cuba, ấn tượng đầu tiên tại sân bay quốc tế José Martí ở Havana là… đông quá. Du khách đổ tới ùn ùn cùng với dân Cuba sang Nga đi buôn về (Cuba sang Nga không cần visa) khiến sân bay hầu như luôn đông kín.
Thay đổi dần cơ chế
Theo Đại sứ VN Dương Minh, Cuba có rất nhiều tiềm năng phát triển như hạ tầng tốt, nguồn nhân lực trình độ cao dồi dào, công nghệ sinh học, sản xuất dược phẩm phát triển. Đặc biệt là dịch vụ y tế đem lại cho Cuba 8 - 10 tỉ USD/năm. “Từ năm 2003, khi nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM sang thăm Cuba và ngỏ ý muốn nước này giúp xây dựng trung tâm công nghệ sinh học tại TP.HCM, sau khi trao đổi, Cuba yêu cầu cần phải có ít nhất 1.000 nhà khoa học cho trung tâm ở những lĩnh vực khác nhau. Chỉ tiếc là khi đó, TP.HCM phải thừa nhận tiền 1 - 2 tỉ USD có thể có nhưng 1.000 nhà khoa học thì… không đủ”, ông kể.
Cạnh đó, ông Minh cũng cho biết nếu bỏ cấm vận, du lịch và dịch vụ sẽ phát triển rất nhanh. Tổng lượng du khách trên thế giới đến Cuba có thể lên đến 7 - 8 triệu người/năm. Trong đó, riêng du khách Mỹ cũng khoảng 4 - 5 triệu người/năm. “Chỉ riêng hàng triệu dân Mỹ đến du lịch đã là nguồn thu rất lớn”, ông nhận định.
Một trong những vấn đề hiện tại của Cuba, theo Đại sứ Dương Minh, là năng suất lao động kém, hậu quả của cơ chế tập trung bao cấp. Tuy nhiên, Cuba khẳng định mô hình phát triển vẫn là kế hoạch hóa tập trung có áp dụng một số yếu tố của kinh tế thị trường có lợi cho mô hình phát triển xã hội. Chẳng hạn cho phép doanh nghiệp nhỏ tư nhân phi nông nghiệp hoạt động, nhiều nhất là phục vụ ăn uống, taxi, nhà cho thuê…
“Nếu chuyển sang cơ chế thị trường là đồng nghĩa xóa bỏ tất cả thành quả xã hội mà họ đạt được về y tế, giáo dục, thể thao, nhà ở… Hiện tại, tuy Cuba còn khó khăn nhiều mặt nhưng chắc chắn không có người đói”, ông nói.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Bóng ma cấm vận
Đối với người Cuba, cấm vận là nguyên do dẫn đến mọi khó khăn, thách thức mà họ phải đối mặt trong hơn nửa thế kỷ qua.
Du khách đến Cuba tăng mạnh
Theo Hội đồng Bộ trưởng Cuba, dự kiến tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 là 2% (so với 4% trong năm ngoái). Nguyên nhân là sự sụt giảm về giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cuba trên thị trường thế giới như nikel. Xuất khẩu nhân lực cũng bị ảnh hưởng do 2 nước thị trường chính là Venezuela và Brazil đang lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, lượng khách du lịch vào Cuba tăng mạnh, dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ đón 4,5 - 5 triệu du khách so với 3,5 triệu khách năm 2015.
Trong khi đó, tiến sĩ Hugo M.Pons Duarte, Giám đốc quan hệ quốc tế của Hiệp hội Tài chính và Kinh tế quốc gia Cuba, cho rằng một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là dân số già, lực lượng lao động ngày càng giảm. Trong tương lai, mỗi lao động phải làm việc để nuôi 3 người. Vì thế, Cuba đang áp dụng chính sách cải cách tiền lương, trả lương theo hiệu quả lao động, những người làm việc hiệu quả hơn sẽ có thu nhập cao hơn.
Đồng thời, Cuba cũng trao thêm quyền tự chủ cho khối doanh nghiệp để họ có thể chủ động hình thức thưởng, phạt, khuyến khích lao động.
Đối với mô hình kinh tế tư nhân, Cuba chấp thuận sự tồn tại của doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ như xưởng cơ khí, sửa chữa, dịch vụ phục vụ dân sinh như sửa ti vi, cắt tóc, thợ mộc, thợ xây nhỏ lẻ…
“Cuba đang tiến hành tinh giản bộ máy cồng kềnh bằng cách gộp các bộ với nhau, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh “một cửa, một dấu” và đang tiến tới thống nhất 2 hệ thống tiền tệ. Hiện tại, Cuba có hơn 50 chính sách và biện pháp để thay đổi dần cơ cấu kinh tế quản lý tập trung. Tuy vậy, nhà nước vẫn phải phân bổ, quản lý nguồn lực, không thể để “bàn tay vô hình” của thị trường xử lý”, ông nói.
Rộng cửa cho doanh nghiệp Việt
Hiện tại, gạo là mặt hàng VN bán cho Cuba nhiều nhất thông qua Công ty Vinafood. Ngoài ra, Cuba chỉ có 3 công ty của người Việt là Thái Bình, Nhật Trang và Tân Việt đặt trụ sở tại đây. Trong đó, Thái Bình là công ty tư nhân VN lớn nhất, có mặt tại thị trường Cuba từ năm 1998.
Với thị trường 11 triệu dân, khách du lịch vào Cuba tăng khoảng 20% mỗi năm, khách sạn tại thủ đô Havana luôn trong tình trạng quá tải… Cơ hội cho doanh nghiệp VN đầu tư tại Cuba còn rộng mở. Giai đoạn tháng 1 - 6.2016, kim ngạch xuất khẩu hai chiều VN -Cuba khoảng 140 triệu USD. Doanh nghiệp VN sang Cuba khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư tăng mạnh ở những lĩnh vực như du lịch, xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử, thủy sản, bất động sản…

tin liên quan

Sống ở Cuba: Thời tem phiếu chưa qua
Sáng thứ bảy, bà hàng xóm đập cửa rầm rầm: “Thịt đến, có thịt rồi nhé!”. Nghe được tin vui, cả xóm chộn rộn hẳn lên.
Theo Đại sứ Dương Minh, doanh nghiệp VN có tiềm năng lớn ở các mảng du lịch, xây dựng khách sạn, sản xuất gốm sứ vệ sinh, gạch lát… “Trước mắt, dự án nhà máy sản xuất tã lót của Công ty Thái Bình đã được cấp phép. Công ty Viglacera cũng đang trong vòng đàm phán cuối cùng để liên doanh sản xuất gạch lát nền, gốm sứ vệ sinh. Công ty Hanel đang đàm phán về việc xây dựng khách sạn tại Havana”, ông cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.