Sống ở Hoàng Sa

18/05/2014 09:00 GMT+7

Tàu ĐN-926 đến gần đảo Tri Tôn (Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng), dập dềnh thả. Thảo, thuyền trưởng 926 buộc chặt áo phao, quàng thêm mấy lượt túi ni lông cho bao đồ nghề máy móc.


Tàu Hải cảnh Trung Quốc chắn ngay trước mũi tàu KN-767, không cho di chuyển

Anh hét lên trong gió chiều ù ù: “Anh là phóng viên duy nhất được cử xuống tác nghiệp dài ngày cùng biên đội tàu Kiểm ngư (KN) Vùng 4!” và xốc nách tôi đẩy mạnh sang mạn tàu KN 767 đang nghiêng ngả, thụp xuống trồi lên giữa mịt mù sóng gió, đúng tích tắc 2 mạn tàu ngang nhau. Thoắt cái, tôi đã trong vòng tay những kiểm ngư viên tàu KN-767 và bắt đầu gần chục ngày sống, làm việc ở Hoàng Sa.

Chống phun nước bằng... đệm giường

Thuyền trưởng KN-767 Đinh Hữu Đoan, 35 tuổi, quê gốc An Dương, TP. Hải Phòng nhưng đang sống tại TP. Nha Trang. Nắng Hoàng Sa rát rạt như thế, nhưng Đoan vẫn trắng như con gái. Đặc điểm mang chất “dân biển” là đôi mắt thâm quầng do thiếu ngủ và bàn tay chai sạn, quá quen với việc quay vô lăng lái tàu. Hỏi chuyện, Đoan kể: “Căng thẳng lắm! Cả ngày lẫn đêm, tàu Trung Quốc áp sát tàu ta, không cảnh giác là họ phun nước, đâm va cản phá!”.

Không chỉ Đoan mà mọi cán bộ, thuyền viên tàu KN-767 và 4 tàu trong biên đội (KN-766, KN-768, KN-769, KN-770) luôn ở trong tình trạng căng thẳng, ngay từ ngày đầu tiên (3.5) xuất phát từ Vùng 4 Cam Ranh ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ ngăn chặn Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trái phép.

Cả tàu, ngoại trừ số làm việc trong khoang máy, còn lại đều thay nhau trực ca, suốt 3 tiếng đồng hồ liên tục và bất luận là ngày hay đêm, cứ có lệnh cơ động vào gần giàn khoan là 100% quân số lại sẵn sàng ở các vị trí. Đã vậy, các tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc liên tục kè theo tàu, ngày vài lần lao đến cản phá, đâm va khiến khẩu lệnh của thuyền trưởng Đoan: “Toàn tàu chú ý, đối phương chuẩn bị khiêu khích, các vị trí sẵn sàng đối phó!” trở thành quen thuộc với mọi người. Sự “đối phó” trên biển Hoàng Sa, cứ tưởng to tát hóa ra rất bình thường: Đóng các cửa sổ phòng ở, cửa ra ngoài mạn tàu để không bị phun nước vào phòng; tắt ra đa; buộc các tấm đệm ngủ ngoài... cửa kính khoang lái và thu dọn quần áo, bát đĩa phần bếp phía boong sau.

 

Lời qua tiếng lại khoảng 15 phút, tàu Trung Quốc xịt khói đen lao thẳng vào. Thuyền trưởng Đoan đanh giọng: “Chúng nó lại phun nước!”. Vừa dứt lời, cả khoang lái rung rầm rầm bởi 2 vòi nước trút cả khối nước biển xuống tàu, cửa kính ngoài mù mịt những nước là nước

Với máy trưởng Nguyễn Văn Dự, ngoài việc “ngủ cũng một mắt” canh “sức sống con tàu”, mỗi ngày 3 - 4 lần phải trèo lên đóng cửa xả của máy khi tàu Trung Quốc tiến sát lại, giương vòi rồng. Anh Dự kể: “Lính Trung Quốc nhằm bắn nước vào cửa xả đầu tiên. Máy tàu bị dính nước biển sẽ chập điện, nhẹ thì chết máy không điều khiển được, nặng thì gây cháy nổ ngay dưới tàu!”.

Mỗi ngày 2 - 3 lần đâm va

Buổi sáng 12.5, khi tôi chính thức là “thành viên” của tàu KN-767, toàn biên đội nhận nhiệm vụ từ tàu chỉ huy 926: “Tiếp cận giàn khoan!”. Trong khi thuyền trưởng Đoan điều khiển con tàu dẫn đầu đội hình, chính trị viên Đặng Đình Tín lụi hụi lấy ra 2 khẩu hiệu tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng Anh - Hoa treo 2 bên mạn tàu và thi thoảng thò đầu vào khoang lái góp chuyện với ca trực đang nhấm nháp cà phê, bình thản nhìn ở ngay phía xa, hàng chục tàu to Trung Quốc cuống quýt lao đến, hụ còi ầm ĩ mặt biển.

Cốc cà phê chuyền tay nhau vừa cạn, cũng vừa lúc tàu hải cảnh 2401 to như tòa nhà 4 tầng lao đến chắn trước mặt, vòi phun nước tự động trên nóc quay vòng vòng đe dọa. Cạnh đó, tàu hải cảnh 21101 tải trọng 2.500 tấn cũng tăng tốc, lượn vòng quanh tàu KN-767 chỉ 450 tấn.

Lời qua tiếng lại khoảng 15 phút, tàu Trung Quốc xịt khói đen lao thẳng vào. Thuyền trưởng Đoan đanh giọng: “Chúng nó lại phun nước!”. Vừa dứt lời, cả khoang lái rung rầm rầm bởi 2 vòi nước trút cả khối nước biển xuống tàu, cửa kính ngoài mù mịt những nước là nước. KN viên Đặng Văn Hà thò đầu ra ngoài cửa, làm “ra đa sống” dẫn đường cho thuyền trưởng Đoan bẻ lái, lách qua gọng kìm của 2 tàu hải cảnh, vọt ra ngoài biển nước, để lại 2 con tàu to đùng ngắc ngứ cua gấp đuổi theo. Thấy tôi lướt thướt ôm túi ni lông đựng máy ảnh, thuyền phó Nguyễn Thế Hùng Dũng cười phớ lớ: “Mỗi ngày 2 - 3 trận thế này là thường. Anh cứ quay chụp thoải mái!”.

Quả thật, ngay buổi trưa hôm ấy, khi chúng tôi đang ăn cơm, 3 tàu hải cảnh Trung Quốc lại lao đến đe dọa xịt nước và buổi chiều, vẫn 3 con tàu quen thuộc chắn trước, kè bên hòng dìm KN-767 trong biển nước mặn, nhưng với sự nhanh trí, bình tĩnh của thuyền trưởng Đoan, lính Trung Quốc trên các tàu đành chưng hửng, hạ vòi rồng và xịt nước... xuống biển.

Ông Vũ Đức Tạo, chỉ huy biên đội tàu KN Vùng 4 thống kê: “Trung bình mỗi ngày, các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần Trung Quốc tấn công biên đội 2 lần. Ban đêm, họ dùng đèn pha công suất lớn chiếu thẳng vào buồng lái, hòng làm tê liệt thị lực của người lái!” và liệt kê: “Tất cả 6 tàu trong biên đội đều bị hư hỏng do tàu Trung Quốc bắn nước, đâm va. Đặc biệt nặng là tàu KN-766, KN-770. Nhưng anh em vẫn quyết tâm bám biển!”.

Nhìn chuồng gà, đỡ nhớ quê xa

Tàu KN-767 là tàu dân sự làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, nên mọi trang thiết bị đều đơn giản đến mức tối đa. Tàu bé, thuyền viên đông nên việc đảm bảo ăn ở sinh hoạt, có những điều kinh ngạc đến không tưởng.


Chuồng gà “độc nhất vô nhị” trên các con tàu kiểm ngư, cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa - Ảnh: M.T.H

Hôm mới lên tàu, nhìn bảng nhắc nhở: “3 ngày tắm 1 lần”, tôi gật gù: “Bên tàu 926 cũng vậy!”, khiến KN Nguyễn Hoàng Nhân, sinh năm 1995, quê ở Vũng Tàu cười: “Khẩu hiệu ấy cũ rồi, giờ 5 ngày mới được tắm 1 lần!”. Quản lý Trần Văn Thường, quê Ba Vì, Hà Nội nghe vậy phân bua: “Từ khi nhận lệnh đến lúc xuất phát, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, chuẩn bị đến mức tối đa mới đầy đủ xăng dầu, nước ngọt và thực phẩm vậy đấy!”.

Hơn các tàu khác trong biên đội, quản lý Thường vốn tính cần cù chịu khó, làm sẵn chuồng nuôi gà vịt ngay boong sau với “quân số” gần 30 chú, suốt ngày đêm kêu oang oác. Cả nửa tháng trời trên biển, thịt rau cạn dần. Thêm chuyện lính Trung Quốc cứ nhăm nhăm coi chuồng gà là “mục tiêu thứ 3” sau máy tàu, buồng chỉ huy, khiến 1 số gà vịt dính nước mặn, lăn quay ra chết. Những ngày tôi ở tàu, quản lý Thường cứ mỗi ngày thịt 1 chú gà hoặc vịt, kho mặn làm thức ăn cả ngày. Máy trưởng Dự bảo: “Nếu có thêm mấy tiếng chuẩn bị và lính Trung Quốc không cố tình phá hoại... chuồng gà, là để đấy nghe chúng gáy, cho đỡ nhớ quê xa!”...

Hôm chia tay KN-767 lên tàu CSB-4032 trở về đất liền, cả tàu ùa hết ra boong trước nắm tay tôi dặn dò, hẹn ngày gặp lại. Tất cả họ, đều đầu trần chân đất và áo quần lấm lem do tư trang bị vòi rồng Trung Quốc thổi bay, thiếu nước ngọt giặt giũ, nhưng ai cũng hẹn: “Ra nữa với anh em ngoài này nhé! Khi nào bên kia họ rút, chúng ta mới hẹn gặp trong đất liền!”.

Tàu CSB-4032 tăng tốc, tôi không dám vẫy tay chào họ, bởi sợ ngay chính bản thân mình sẽ khóc. Khóc, vì thấy mình quá bé nhỏ trước những sự hy sinh - cống hiến của những con người trẻ tuổi, ở ngay chính địa đầu Tổ quốc: Hoàng Sa. Sống một lần trong đời, sao cho đáng sống - câu nói bất hủ của thời trước đang thầm thì thành lời thề thực tại, trong đầu mỗi người con kiểm ngư, cảnh sát biển, trên biển Đông, những ngày nóng bỏng này. 

Mai Thanh Hải

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam
>> Mỹ đang giữ liên lạc chặt chẽ với Việt Nam về vụ giàn khoan Trung Quốc
>> Nga lần đầu lên tiếng vì giàn khoan Trung Quốc
>> Tường thuật của PV Thanh Niên từ Hoàng Sa: Cảnh sát biển VN áp sát giàn khoan Trung Quốc
>> Trung Quốc đã tăng lên 99 tàu ở khu vực đặt giàn khoan trái phép
>> Cộng đồng doanh nhân phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.