Đó là “luật” bất thành văn nơi biển cả mênh mông và cũng là nghĩa khí của những người lênh đênh trên biển Hoàng Sa.
Nhờ đó, ngư dân luôn vững tin nơi đầu sóng, giảm phần nào thiệt hại khi bị phía Trung Quốc xâm hại, đe dọa, chèn ép lúc mưu sinh.
Nhất quyết không bỏ đồng đội
“Mình cứu bạn và bạn cứu mình”. Ai từng đi biển, nhất là biển Hoàng Sa muôn trùng đều nằm lòng câu này. Trên bờ chén anh chén chú, rồi có thể bất đồng ý kiến, tranh cãi nhau, nhưng lúc ra biển thì cứ í ới: “Tàu mày ra sao, trúng không?”, hay: “Có tàu tuần tra Trung Quốc vừa ra đó, theo dõi, tránh né nghen”...
Ngư dân Võ Văn Lựu, 57 tuổi, ở xóm biển Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) kể, xưa ông đi lính biên phòng, giải ngũ về năm 1987 thì 2 năm sau đi biển. “Nhớ lúc mang máy tàu công suất 45 mã lực về lắp cho tàu cá, nhiều người bảo: Mày mua dầu ở đâu mà chạy? Ý là máy tàu to quá thì “nuốt” dầu lắm, tốn nhiều phí tổn”, ông Lựu kể vui.
|
|
Mà lúc đó, tàu cá ở xã Bình Châu chỉ mình ông Lựu có tàu máy công suất lớn, còn Lý Sơn có hai chiếc tương đương. Cả xã biển Bình Châu lúc đó chưa có một “cây” dầu nào. Mỗi bận đi biển về, vợ ông Lựu là bà Nguyễn Thị Năng phải mang hải sản đánh bắt được ra chợ bán. Không như bây giờ, về đến cảng cá là có bạn hàng đến mua. Ông Lựu nhớ lại, đi chừng 7 - 8 năm thì Hoàng Sa “căng” dần, tàu Trung Quốc bắt đầu xua đuổi, cướp hải sản, tàu cá. Mỗi bận ra khơi cứ nơm nớp đề phòng.
Ngày đó, ở Hoàng Sa, tinh thần ngư dân Việt cũng can trường lắm. Có điều, đa phần máy nhỏ, tàu nhỏ, phương tiện không có để liên lạc với bạn tàu như bây giờ. Vì vậy, khi bị Trung Quốc rượt bắt, đánh đập, cướp cá..., thì chỉ biết nén uất hận rồi về bờ báo cho chính quyền. Khoảng năm 2001 - 2002, ông Lựu không nhớ rõ thời điểm cụ thể, tàu cá của ông bị tàu Trung Quốc đâm mũi vào tận cabin, ông cố chạy chiếc tàu cá đầy thương tích về đến bờ mà lòng sục sôi ấm ức.
Những năm gần đây, ngư dân trong vùng tích góp tiền, vay mượn ngân hàng, trang thiết bị cho tàu cá đầy đủ. Ông Lựu bảo: “Khi tàu ai gặp nạn, bị Trung Quốc bắt là chúng tôi đến ngay. Đi biển nay không đơn chiếc, mà nhóm tàu 4 - 5 chiếc đi cùng, cách nhau có khi vài chục hải lý, nhưng có khi gần vài hải lý. Vừa hành nghề, vừa gọi nhau canh chừng tàu Trung Quốc”.
Nói thì vậy, nhưng tàu cá của ngư dân chạy “té khói” cũng chỉ 6 - 7 hải lý/giờ, rất khó thoát tàu Trung Quốc với tốc độ chạy nhanh gấp nhiều lần. “Chỉ bị khống chế mới không thông báo được qua máy Icom trên tàu, còn thì vừa chạy vừa thông báo cho nhau”, ông Lựu nói rồi kể tiếp: “Khi biết tàu nào bị bắt, các tàu khác biết ngay địa điểm, cùng kéo đến, tìm kiếm cứu người”.
Trong câu chuyện, ông Lựu vô cùng cảm phục ngư dân Huỳnh Văn Khanh. Đó là ngày 12.3.2018, tàu Trung Quốc cố đuổi bắt tàu cá ông Khanh. Khôn ngoan, ông Khanh cho tàu chạy sát vào rạn đảo. Tàu Trung Quốc to không vào được nên quay sang rượt tàu QNg-90627 TS của ông Lựu để bắt. Sau đó, phía Trung Quốc dùng tàu ông Lựu đuổi bắt tàu ông Khanh. Phía Trung Quốc lái tàu đâm lên rạn biển rồi dùng người phiên dịch gọi ông Khanh đến cứu. Ông Khanh không đến cứu vì sợ mắc mưu, nhưng lảng vảng cách tàu ông Lựu 4 - 5 hải lý. Đợi đến tối, khi biết phía Trung Quốc rời đi (sau khi vét sạch hải sản trên tàu cá), ông Khanh mới đưa tàu đến lai dắt tàu ông Lựu về đất liền.
Nghĩa khí nơi đầu sóng Hoàng Sa
Những ngư dân sống nơi biển khơi luôn đối diện với đầu sóng ngọn gió, hiểm nguy nên đã hun đúc, rèn luyện cho họ một nghĩa khí cao vút trời. Đặc biệt trong cảnh hoạn nạn thì nghĩa khí ấy càng bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Chúng tôi đi và nghe rất nhiều câu chuyện thấy tàu bạn gặp nguy, tàu cá khác lập tức dừng đánh bắt để tập trung cứu người, cứu tàu, đưa về. Thông thường tàu đi từng nhóm, nhưng cứ hai tàu một cặp, chạy cách nhau khoảng 5 - 10 hải lý, có việc đột xuất thì “a lô” một chiếc quay trở lại hỗ trợ, bên cạnh còn nhóm tàu nữa, cứ có chuyện là quây lại ngay lập tức.
Ngày 1.1.2016, tàu cá QNg-98459 TS của ông Huỳnh Hợp (ở H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc đâm vỡ ở Hoàng Sa. Tàu của ông Bi (cùng ở Đức Phổ) khi đó cách tàu ông Hợp 5 hải lý nhưng đã tức tốc quay mũi tàu đi ứng cứu. Cùng lúc, 5 tàu cá khác cũng kéo vội lưới, chạy “hết ga” về nơi tàu ông Hợp gặp nạn để ứng cứu. Khi đó, biển đang giật cấp 7, sóng gió to dần, tàu đi cứu nạn cũng chao lắc mạnh, sóng tràn vào tàu dữ dội. Ông Bi đưa anh em tàu bị nạn sang tàu mình, còn ngư dân các tàu thì xuống hầm tàu ông Hợp cạy đá lạnh ném xuống biển cho tàu nhẹ bớt. 4 tàu còn lại kéo sang 4 chiếc máy bơm, một máy phát điện để vừa tát nước, vừa cho máy chạy, lấy bạt trùm lên vết nứt toác do bị đâm trên thân tàu.
Đêm hôm ấy, để cứu tàu, các tàu phân công nhau mỗi ca 6 ngư dân thay phiên bơm tát nước ngập trên tàu bị nạn, mỗi ca 1 giờ đồng hồ. Cạn nước trên tàu, ông Bi buộc tàu cá bị đâm vào tàu mình rồi lai dắt về bờ, các tàu còn lại bỏ ngang việc đánh cá, đi kèm hai tàu kia về đến đất liền, suốt hải trình dài 200 hải lý. Ngày đó, tiền hàng trăm triệu mất đi, nhưng cái nghĩa khí, tình người thì còn mãi trên đầu ngọn sóng Hoàng Sa.
Không ít ngư dân cứu người, cứu bạn nhưng họ ít nhớ ngày nhớ tháng, còn được anh em bạn chài cứu thì luôn nhớ. Sáng 8.4, ngư dân Võ Văn Lựu cho biết vào giữa năm 2015, khi đánh bắt ở Hoàng Sa, tàu cá của ông bị sóng đánh vào rạn san hô. Khi ấy, tàu cá của ông Bùi Ngọc Lành và tàu cá của ông Phạm Trung Kiên (ở cùng xã Bình Châu) đã bỏ đánh bắt hải sản, cùng chạy đến nơi tàu gặp nạn. Thấy tình hình khó khăn, ông Lựu đề nghị hai tàu trên chỉ cần cứu giùm các ngư dân, còn tàu cá thì chấp nhận để làm “kỷ niệm” với Hoàng Sa. Vậy mà ông Lành và ông Kiên cương quyết lắc đầu, bởi còn nước còn tát và cũng không nỡ nhìn tài sản tiền tỉ của bạn chài chìm xuống biển. Kẻ đẩy người kéo, cuối cùng con tàu ông Lựu cũng ra khỏi bãi rạn, được hai tàu cá kia lai dắt về đất liền sau 2 ngày 2 đêm, trong niềm vui của hàng chục ngư dân trên 3 tàu cá.
“Chuyến biển ấy, tàu anh Lành và anh Kiên không đủ tổn phí, nhưng những nghĩa cử này đã tiếp thêm sức mạnh, sự vững tin để chúng tôi bám biển Hoàng Sa”, ông Lựu tâm tình. Sau này, mang theo nghĩa cử ấy, ông Lựu cũng cứu nhiều anh em trên biển, coi đó như việc đương nhiên, không bao giờ tính toán thiệt hơn.
Trường hợp như tàu cá QNg-90617 TS của ông Trần Hồng Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm sáng 2.4 vừa rồi, nghe tin, cả 3 con tàu cùng xã đã tìm đến cứu. Mặc dù bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược tấn công hung bạo, nhưng họ không nao núng. Trong đó, tàu của ông Đặng Tằm kịp thời chạy thoát nhưng thân tàu bị hư hỏng nhiều chỗ, còn 2 tàu của ông Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh sau khi được phía Trung Quốc thả, về đến đất liền các ngư dân phải đi cách ly phòng chống dịch Covid-19 đến 14 ngày theo quy định.
“Ngày ra biển, chưa có quy định phải cách ly. Lúc trở về có quy định này, phải chấp hành. Thôi thì... không sao. Anh em lành lặn trở về là may rồi”, thuyền trưởng Đặng Dũng nói. (còn tiếp)
Bình luận (0)