Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền

17/10/2024 14:07 GMT+7

Trong gian khó mưu sinh, những thương hồ xóm chợ nổi miền Tây giữa dòng kênh Tẻ hay những công nhân ở xóm trọ tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn 'tối lửa tắt đèn có nhau', cùng nuôi sống nhau.

Trời sập tối, xe máy kẹt cứng dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7). Bờ kênh Tẻ cạnh bên, là xóm chợ nổi miền Tây hiếm hoi ở thành phố Hồ Chí Minh, yên ắng giữa phồn hoa phố thị.

"Người miền Tây mình với nhau không hà!"

Sở dĩ có tên gọi xóm chợ nổi miền Tây, hẳn vì trải dài một đoạn chừng 500 m từ gầm cầu Tân Thuận 2, là hàng chục chiếc ghe, xuồng tụ lại thành xóm thương hồ. Đa phần, những người sinh sống trên ghe là người dân miền Tây men theo sông nước đến thành phố này, chọn kênh Tẻ làm bến đậu mưu sinh hàng chục năm.

Hồi đó, chỗ này còn được biết đến là "chợ nổi Tân Thuận", tồn tại hàng chục năm. Thuở đường bộ chưa phát triển, đây là nơi giao thương "trên bến dưới thuyền" sầm uất. Dần dà, chỉ còn lác đác vài chục chiếc ghe, thương hồ mưu sinh ở đây bằng nghề bán trái cây, chủ yếu nhập từ miền Tây lên.

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 1.

Xóm chợ nổi miền Tây hiếm hoi ở thành phố Hồ Chí Minh dọc bờ kênh Tẻ

ẢNH: CAO AN BIÊN

Màn đêm buông, mặc kệ con đường Trần Xuân Soạn "trên bờ" inh ỏi tiếng còi xe, chiếc ghe của mẹ con bà Nguyễn Thị Ái Lan (55 tuổi) bình yên đến lạ. Dưới ánh đèn leo lét được thắp sáng bằng bình ắc quy, người phụ nữ quê An Giang chuẩn bị cơm tối với món canh chua quen thuộc của người miền Tây.

Chiếc ghe chao nghiêng theo từng đợt sóng, nhưng bà đã quá quen với việc nấu nướng trong hoàn cảnh này. Từ quê lên thành phố Hồ Chí Minh hơn 20 năm, làm đủ thứ nghề kiếm sống, 5 năm trở lại đây, bà mới bắt đầu sống trên ghe này vì hoàn cảnh khó khăn, không kham nổi tiền trọ trên bờ.

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 2.

Bà Lan chuẩn bị cơm tối cho hai mẹ con

ẢNH: CAO AN BIÊN

"Ở đây, hầu hết mọi người đều quê ở Bến Tre lên thôi, nhiều ghe là bà con dòng họ của nhau, có tôi là hiếm hoi ở An Giang đó. Nhưng người miền Tây với nhau mình không hà, dễ sống, dễ cảm thông.

Tôi thì không buôn bán trái cây mà lên bờ rửa chén thuê, làm từ sáng tới tối mới về. Nhưng ở đây ai mình cũng biết, gặp nhau cười chào nhau một tiếng, nghe giọng miền Tây với nhau là thấy ấm lòng", bà Lan nói về mối quan hệ với hàng xóm.

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 3.

Người phụ nữ miền Tây góa bụa sống trên ghe cũng hơn 5 năm nay, cảm thấy bình yên vì láng giềng sống chan hòa

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chồng mất cách đây hơn 1 năm, một mình bà bươn chải nuôi con trai năm nay lên lớp 6. Cuộc sống có phần khó khăn bởi áp lực mưu sinh, nhưng chiều chiều khi mẹ con về tới xóm ghe, ngồi trên chiếc ghe che mưa che nắng thì thấy nhẹ người. Cuộc sống láng giềng chan hòa, giúp đỡ lẫn nhau cũng khiến bà Lan yêu quý nơi này.

Những nghĩa tình không quên

Cách ghe bà Lan không xa, là chiếc ghe của gia đình bà Trần Thị Nhi (62 tuổi). Trên bờ, là chiếc sạp đầy các loại chuối, có ông Thành Chung (63 tuổi) chồng bà Nhi trông coi.

Trên ghe tối thui, tôi gọi vọng xuống: "Cô Nhi ơi, cô đang làm gì đó? Con xuống chơi được không?". Nghe có người tìm, bà từ ghe vội lên bờ, cười tươi nói với chất giọng đặc sệt của người miền Tây: "Mấy nay mưa quá, nên trên ghe không dám bật đèn sợ không đủ điện xài".

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 4.

Xóm ghe nghèo bình yên, khác hẳn với sự nhộn nhịp thường thấy ở thành phố Hồ Chí Minh

ẢNH: CAO AN BIÊN

Quê ở Bến Tre, tuổi già không còn sức làm nông, vợ chồng già quyết định lên đây sống trên ghe, cạnh ghe con gái bà, bán trái cây sống lay lắt qua ngày. Ngót nghét, tới nay cũng 4 - 5 năm. Mấy hôm nay trời mưa, tan tầm kẹt xe nên việc buôn bán của người phụ nữ không khá mấy.

Bà Nhi tâm sự những chiếc ghe "hàng xóm" cạnh bên, là ghe con gái bà, ghe anh chồng của con gái, ghe của ông xui… nên mọi người đều quen biết và thân thiết với nhau. Không chỉ vậy, còn có những chiếc ghe của những sống cùng quê ở Bến Tre, đồng hương nên ai cũng thương mến và cưu mang nhau, nhất là lúc khó khăn hoạn nạn.

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 5.
Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 6.

Bà Nhi bán chuối sống qua ngày

ẢNH: CAO AN BIÊN

"Mấy năm trước lúc lên đây sống, tôi thân với một người hàng xóm ở ghe cạnh bên. Có đợt tôi bệnh, chị mới nói để bán hết số chuối, rồi chị đưa tôi đi bệnh viện mua thuốc. Lần đó tôi bị nặng, may có hàng xóm đưa đi trị nên mới hết, mới khỏe lại, rồi chúng tôi thành chị em tốt từ đó. Sau này, bà ấy về quê, tôi nhớ lắm. Mỗi lần tết hay có dịp về nhà là tôi mua quà ghé thăm. Tình nghĩa đó, tôi không bao giờ quên"

Bà Trần Thị Nhi Nhi

Dẫu cuộc sống mưu sinh khó khăn nhưng bà Nhi và chồng vẫn coi dòng kênh Tẻ này là "đất lành", chính bởi sự chan hòa, đùm bọc nhau giữa những người láng giềng cùng khổ.

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 7.
Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 8.

Đều là những người miền Tây chất phát, thật thà, người ở khu chợ nổi sống chan hòa, vui vẻ cùng nhau

ẢNH: CAO AN BIÊN

Thăm dò ý kiến

Mối quan hệ của bạn và hàng xóm như thế nào?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Không chuyển trọ vì… hàng xóm

17 giờ chiều, trời TP.HCM đổ cơn mưa tầm tã, xóm trọ công nhân trên đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp, TP.HCM) có người đã tan ca làm sớm, trở về lo cơm nước cho gia đình. Trước mỗi cửa phòng, mọi người phơi quần áo, cơn mưa bất chợt đổ xuống nhưng người ở nhà đã kịp thu vào, làm giúp cho cả phòng kế bên.

Ông Trần Quốc Huy (53 tuổi, quê Vĩnh Long) lên TP.HCM thuê trọ, có vợ làm công nhân ở cách đường Phạm Văn Chiêu không xa. Ông cảm thấy may mắn khi thuê được phòng trọ phù hợp với nhu cầu, điều kiện của gia đình.

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 9.

Xóm trọ công nhân yên bình trong cơn mưa bất chợt

ẢNH: DƯƠNG LAN

Suốt nhiều năm nay gia đình ông yên tâm sống ở đây, không phải lo chuyển trọ một phần bởi hài lòng với "tình làng nghĩa xóm". Đa số láng giềng của ông Huy có chung hoàn cảnh, đều khăn gói từ quê lên thành phố làm việc với hy vọng có cuộc sống đủ đầy hơn. Từ đó mà họ đồng cảm, thương mến nhau.

“Mọi người xung quanh đối xử với nhau rất tốt. Anh em có gì cứ trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau. Quần áo tôi phơi ở ngoài hôm nào trời mưa, về phòng thấy hàng xóm đã dọn vào cho. Cách đây không lâu, tôi bị bệnh phải đi điều trị hai lần may mắn có những người xung quanh hỗ trợ. Lúc đó chân tay tôi không cử động được nên mọi người đã bế ra xe chở đi bệnh viện”, ông Huy nhớ mãi những hình ảnh đó.

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 10.

Ông Huy (bên trái) hài lòng vì tìm được phòng trọ phù hợp với nhu cầu của gia đình

ẢNH: DƯƠNG LAN

Cũng theo ông Huy, câu nói “bán anh em xa mua láng giềng gần” rất đúng với mọi người quanh xóm trọ nơi gia đình đang ở. Cuộc sống xa nhà, xa quê hương không thể trông chờ, cậy nhờ anh em, người thân nên phải gắn bó với hàng xóm trước đó chẳng quen biết nhau.

"Thậm chí thiếu ăn, thiếu tiền tôi cũng chạy sang hàng xóm mượn đỡ. Ai cũng vui vẻ cho mượn vì hoạn nạn có nhau, toàn người xa lạ nhưng thân quen như người nhà. Nhiều người sống trong những căn nhà cao tầng, sợ mất mát nên thường xuyên đóng kín mít cửa còn chúng tôi ở trọ cứ trò chuyện với nhau thoải mái, sống yên bình qua ngày"

Ông Trần Quốc Huy

“Thậm chí thiếu ăn, thiếu tiền tôi cũng chạy sang hàng xóm mượn đỡ. Ai cũng vui vẻ cho mượn vì hoạn nạn có nhau, toàn người xa lạ nhưng thân quen như người nhà. Nhiều người sống trong những căn nhà cao tầng, sợ mất mát nên thường xuyên đóng kín mít cửa còn chúng tôi ở trọ cứ trò chuyện với nhau thoải mái, sống yên bình qua ngày”, ông Huy bày tỏ.

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 11.

Vợ chồng ông Huy sắm sửa đồ đạc trong phòng trọ nhỏ

ẢNH: DƯƠNG LAN

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 12.

Ông Đào chủ trọ có nhiều công nhân thuê ở

ẢNH: DƯƠNG LAN

Sống ở TP.HCM hơn nhau bởi hàng xóm: Nơi muôn mặt người, nuôi sống được bà con mọi miền- Ảnh 13.

Công nhân thường thuê phòng trọ nhỏ phù hợp với điều kiện kinh tế

ẢNH: DƯƠNG LAN

Bí quyết gắn kết tình hàng xóm của chủ trọ


Ông Nguyễn Thanh Đào (57 tuổi), chủ trọ ở hẻm 111/18 Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) chia sẻ dãy trọ của ông không quá nhiều phòng nhưng người thuê luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Thỉnh thoảng mọi người còn tổ chức ăn uống, gắn kết tình anh em, hàng xóm. 


"Mọi người rất biết điều với nhau, vào những ngày nghỉ cả xóm cùng nấu những món ăn ngon, cùng nhau uống vài ly bia vui vẻ. Anh em có hát karaoke để không khí nhộn nhịp hơn nhưng đúng giờ, không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tôi là chủ trọ chưa bao giờ nghe người khác phản ánh tình trạng này", ông Đào bày tỏ.


Cũng theo ông Đào, chủ trọ cũng phải làm gương để người thuê nhìn nhận, tôn trọng, ứng xử một cách văn minh. Nếu chẳng may ở xóm có những bất đồng vì ý kiến mỗi người khác nhau, chủ trọ phải đứng ra giải hòa ổn thỏa. Chủ trọ không nên lấy "uy lực" khiến mâu thuẫn của những người thuê trở nên nghiêm trọng hơn. "Chủ trọ phải cư xử chuẩn mực để người thuê sống ôn hòa, không xảy ra mâu thuẫn. Người chủ nhà cũng không nên bênh người này, thiên vị người kia vì nếu làm như vậy chỉ khiến hiềm khích càng trở nên căng thẳng", ông Đào nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.